Tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật

24/09/2018 | 08:40 GMT+7

Ngày 24-9-1982, Việt Nam gia nhập Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16-12-1966), có hiệu lực ngày 23-3-1976. Một trong những nội dung của Công ước này là: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”, và Việt Nam thực hiện rất nghiêm túc.

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang tác nghiệp.

Điều 25 Hiến pháp hiện hành của Việt Nam nêu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Nhiều đạo luật: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin… đã cụ thể hóa quyền Hiến định trên.

Quyền tự do báo chí của công dân có thể thấy qua quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí và in, phát hành báo in.

Trong khi đó, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được chế định là phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Chủ thể cơ quan báo chí cũng phải có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động; trong trường hợp không đăng, phát thì phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.

Cơ quan báo chí cũng phải có trách nhiệm trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Đảm bảo các quyền trên, Luật Báo chí quy định Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Tuy nhiên, để bảo đảm tự do trong trật tự, Hiến pháp nước ta cũng chế định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Hoạt động của báo chí và nhà báo cũng không ngoại lệ. Luật Báo chí hiện hành quy định: “Nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Cùng với đó là các hành vi bị nghiêm cấm trong tự dó báo chí, tự do ngôn luận. Đó là cấm đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; gây chiến tranh tâm lý.

Cấm đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; cấm gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; cấm gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Cấm xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. Cấm tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Cấm thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án…

Đồng thời, cấm thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em. Cấm in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính. Cấm cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng. Cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật…

Quy định về tự do trong trật tự rất phù hợp với Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Đó là:

Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào;

Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ;

Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, và để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.

Bài, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>