Tư pháp Hậu Giang: Nhiều dấu ấn nổi bật

28/08/2020 | 07:03 GMT+7

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn song bám sát các chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành tư pháp Hậu Giang đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhiều nhiệm vụ được giao. Qua đó, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao ý thức pháp luật trong Nhân dân.

Hội nghị về công tác xây dựng văn bản được Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức.

“Gác cổng” hiệu quả trong xây dựng văn bản pháp quy

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp tỉnh thời gian qua là tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Bởi hoạt động này được thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo chất lượng văn bản ban hành, phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp đầu năm 2020, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho ngành là cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò gác cổng trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, là “luật sư” cho UBND tỉnh trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Phượng Quyên, để làm tốt công tác này, hàng năm, sở đều tham mưu đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Đồng thời định kỳ, tiến hành kiểm tra đối với phòng tư pháp cấp huyện.

Qua đó đến nay, hầu hết các văn bản của tỉnh được ban hành từ khâu lập chương trình, lập đề nghị xây dựng đến thẩm tra, trình ký đều thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đa số văn bản được ban hành đều khả thi, là công cụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Cụ thể từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định trên 1.200 văn bản quy phạm pháp luật, tiến hành rà soát trên 800 văn bản… Song song đó, đơn vị còn phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành danh mục văn bản hết hiệu lực và hết hiệu lực một phần nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp quy trên địa bàn.

“Trong đó, sở luôn chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức pháp chế các sở, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm các quy định nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản”, bà Quyên nhấn mạnh.

Chuyển biến tích cực

Bên cạnh những kết quả trong lĩnh vực xây dựng văn bản, ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung tuyên truyền được đổi mới với nhiều hội nghị, sự kiện, mô hình phối hợp; công tác hành chính tư pháp có nhiều đổi mới.

Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới về nội dung và hình thức, nổi bật là việc sở đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như phiên tòa giả định, hội thi hòa giải viên giỏi và đặc biệt là Hội thi Pháp luật cho mọi người năm 2020, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống người dân và đang được dư luận xã hội quan tâm. Các chương trình liên tịch về phổ biến, giáo dục pháp luật được ký kết, triển khai thực hiện.

Song song đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Công tác hộ tịch và cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác trợ giúp pháp lý tăng cường hướng về cơ sở, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng thụ hưởng. Cơ quan tư pháp luôn phát huy tối đa vai trò của thành viên Đoàn công tác liên ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó hàng năm tham gia trên 60 buổi đối thoại với công dân được UBND tỉnh tổ chức...

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Những năm qua, với nỗ lực cao, một số mặt công tác tư pháp đã có chuyển biến tích cực, rõ nét, tạo điểm nhấn. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng văn bản, hộ tịch, lý lịch tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… Đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam

Vào ngày 28-08-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, 1 trong 13 bộ được công bố thành lập lúc đó có Bộ Tư pháp.

Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, hình thức tổ chức, tên gọi của ngành tư pháp có nhiều thay đổi: Giai đoạn 1945-1960 là Bộ Tư pháp; giai đoạn 1960-1981 là Ủy ban Pháp chế của Chính phủ; giai đoạn 1981 đến nay thành lập lại Bộ Tư pháp.

Đến ngày 07-01-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 715/TTg công nhận ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam.

 

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>