Ưu tiên và cam kết thúc đẩy, bảo vệ quyền con người

27/03/2018 | 08:02 GMT+7

Chủ trương của Nhà nước Việt Nam là phấn đấu bảo đảm, thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân Việt Nam trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều văn kiện pháp lý của nước ta đã được ban hành với mục tiêu là bảo đảm đầy đủ các quyền tự do dân chủ của người dân. Với định hướng như vậy, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung giải quyết những thách thức về vấn đề quyền con người, ưu tiên những vấn đề, lĩnh vực phù hợp với nguồn lực hiện có và điều kiện, tình hình cụ thể của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới.  

Trong đó, sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý để thực hiện tốt các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như dân sự, chính trị, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền con người. Chính phủ Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, trong đó có việc xem xét thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia.

Quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước Việt Nam. Trong đó, chú trọng các chính sách giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam sẽ phát huy thành quả từ việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhà nước Việt Nam xác định khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Thực tế cho thấy việc giảm thu nhập, lạm phát và bệnh tật là 3 trong số các nguyên nhân chính làm giảm mức sống của người dân. Do đó, an sinh xã hội là giải pháp bảo vệ cho người dân, đặc biệt là người nghèo và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung các chính sách để tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế vào hệ thống an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp.

Chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh, nhà quản lý phục vụ mục tiêu nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và phát triển xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách quốc gia và sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục hướng đến 2 mục tiêu: Tăng tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở mọi cấp giáo dục; và nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục về quyền con người là hướng ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Chính phủ Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng 2 chương trình quy mô quốc gia là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2011-2020), và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2011-2015). Những chính sách này đã khẳng định bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung các chính sách và chiến lược nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống buôn bán phụ nữ và các biện pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất, tinh thần là một trong những hướng ưu tiên cao của Chính phủ Việt Nam. Nỗ lực của Chính phủ thời gian tới sẽ tập trung vào các vấn đề giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh; tăng cường hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến lược dinh dưỡng quốc gia, chiến lược quốc gia về sức khỏe sinh sản, chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS.

Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc có liên quan đến quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng pháp luật quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tăng cường hợp tác, đối thoại với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, nhất là với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các Thủ tục đặc biệt, trong đó có việc xem xét mời một số Thủ tục đặc biệt vào thăm Việt Nam; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ủng hộ và tích cực tham gia quá trình tham vấn liên chính phủ về tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền. Đồng thời, tiếp tục xem xét việc tham gia các công ước quốc tế khác về quyền con người…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>