Vẫn còn tín dụng đen…

06/06/2019 | 08:13 GMT+7

Sau thời gian ra quân trấn áp, tháo gỡ/xóa tờ rơi cho vay vốn... tín dụng đen thì tình trạng trên giảm hẳn. Tuy nhiên, qua theo dõi thì hoạt động trên vẫn còn...

Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Mới đây, khi gọi vào số 08684466XX được dán trên thân cây ở phường VII, thành phố Vị Thanh, một người đàn ông bắt máy: Anh có giấy tờ xe chính chủ không, loại gì, chạy bao lâu rồi?...

Sau đó, anh này cho biết, nếu chấp nhận vay tiền thì đến đường Ngô Quốc Trị, phường V, thành phố Vị Thanh và liên lạc với số điện thoại trên sẽ có người tiếp, hướng dẫn làm thủ tục; khi đi cần mang giấy xe và chứng minh nhân dân.

Hỏi lãi suất bao nhiêu %/năm, trả trong bao lâu, chừng nào có tiền thì người này nói cứ đến đó rồi liên lạc, chứ nói qua điện thoại không tiện, nhưng sẽ có tiền.

Hay gọi vào số 09713938XX được dán trên thân cột điện ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, một phụ nữ bắt máy.

Trao đổi một lúc, phụ nữ này cho biết, với xe hiệu Airblade đời 2017 có thể vay được 20 triệu đồng, thời gian trả thì tùy thuộc vào hợp đồng, có thể từ 1-3 năm; nếu 2 năm thì trả gốc và lãi 1,2 triệu đồng/tháng.

 “Tháng thứ nhất trả 1,2 triệu đồng thì tháng tiếp theo sao không giảm mà giữ nguyên nợ gốc?”, người điện thắc mắc.

“Em vay thế chấp chứ không phải tín chấp, nó giống như chơi hụi chết. Nhưng chơi hụi, em phải bốc thăm chờ đến lượt, còn ở đây chỉ cần giấy xe và chứng minh nhân dân là có tiền”, phụ nữ này khẳng định…

Ngoài sự còn tồn tại trên, các đối tượng cho vay tín dụng đen còn trực tiếp gặp hộ mua bán, kinh doanh nhỏ lẻ để quảng cáo.        

Theo Công an tỉnh, để có người vay, ngoài thủ tục đơn giản, các đối tượng cho vay lãi nặng không ghi lãi suất hoặc có ghi nhưng thấp hơn so thực tế cho vay… “Thủ đoạn của chúng vẫn là sau thời gian người vay không có khả năng trả hay trả chậm thì ép làm hợp đồng thế chấp tài sản để ràng buộc. Ngoài ra, chúng còn sẵn sàng chửi bới, đe dọa, đánh đập để thu nợ”, thượng tá Ngô Văn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết.

Trước đó, sau thời gian ra quân triệt phá, nhiều đối tượng cho vay lãi nặng không còn mướn nhà trọ trên địa bàn tỉnh để hoạt động mà sang địa bàn khác cư trú. Tuy nhiên, hiện nay hàng ngày chúng vẫn qua Hậu Giang hoạt động, cho thấy tình hình này vẫn tiềm ẩn bất ổn.

 Cơ quan chức năng cho biết, dù đã phá một số vụ về tín dụng đen nhưng rất khó khởi tố. Bởi để khởi tố được bị can về hành vi cho vay lãi nặng phải chứng minh được thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, các đối tượng hoạt động kiểu này rất tinh vi, dùng mọi cách biến hóa việc vay lãi nặng thành các hợp đồng hợp pháp.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và giảm nạn nhân từ tín dụng đen, UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của tín dụng đen; giới thiệu các kênh cung ứng vốn lành mạnh để bà con tiếp cận.

Cụ thể hóa chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang đã có công văn gửi đến hội, đoàn thể, địa phương về tăng cường tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại tín dụng đen. Đồng thời thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo, đối tượng chính sách; nâng mức vay, kéo dài thời gian cho vay phù hợp…

Theo đơn vị này, việc vay vốn ở các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện ở 3 mức lãi suất: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, lãi suất từ 6% - 14%/năm.

“Chúng tôi sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là địa bàn đang là “điểm nóng” về tín dụng đen. Khuyến khích một số ngân hàng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở vùng khó khăn để khách hàng thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn”, ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết.

Thực tế hình thức cho vay lãi nặng ở Hậu Giang vẫn còn với chiêu cũ mời gọi, quảng cáo hấp dẫn, dụ cho bằng được người vay có nhu cầu gấp. Vì vậy, cần sự chủ động, mạnh tay trấn áp hơn nữa của cơ quan chức năng và phòng ngừa “sập bẫy” của người dân trong thời gian tới!

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>