Vì sao án chậm thi hành ?

26/09/2019 | 04:45 GMT+7

Đương sự không có tài sản, cố tình chây ì; vướng trong thủ tục kê biên, bán đấu giá... là những nguyên nhân khiến không ít bản án dân sự chậm thi hành.

Ông Đinh Văn Tiệm, gửi đơn phản ánh đến Báo Hậu Giang về vụ việc của ông bị chậm thi hành.

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, mỗi năm, ngành thi hành án dân sự (THADS) thụ lý gần 10.000 vụ việc, nhưng chỉ có khoảng 1/3 số vụ việc được giải quyết dứt điểm trong năm. Còn lại rất nhiều vụ việc chưa có điều kiện hoặc có vướng mắc chưa thể thi hành.

Như gần đây, ông Đinh Văn Tiệm, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, gửi đơn đến Báo Hậu Giang phản ánh trường hợp của ông đã kéo dài gần 3 năm nhưng vẫn chưa được thi hành án. Trong đơn, ông Tiệm trình bày rằng ông Nguyễn Văn Nghiệp và vợ là bà Phạm Thị Huệ, ở thị trấn Ngã Sáu, có nghĩa vụ phải trả cho ông số tài sản 17,5 chỉ vàng theo bản án số 43/2016 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành.

Vậy mà 3 năm qua, cơ quan thi hành án vẫn chưa thể giao tài sản theo bản án của tòa. “Tôi nhiều lần lên xuống liên hệ với cơ quan thi hành án thì đều bị hẹn đi hẹn lại vì cơ quan thi hành án cho rằng ông Nghiệp và bà Huệ không có tài sản để giao cho tôi”, ông Tiệm bày tỏ.

Chi cục THADS huyện Châu Thành thông tin qua xác minh tài sản thì người phải thi hành án không có tài sản để thi hành. Vì vậy, cơ quan thi hành án đã ra quyết định đưa trường hợp của ông Tiệm vào diện án chưa có điều kiện.

Trước đó, Báo Hậu Giang đã từng phản ánh trường hợp của ông Lê Văn Giang, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, sau 4 năm có quyết định thi hành án vẫn chưa nhận được số tiền hơn 20 triệu đồng. Dù người phải thi hành án là ông Lê Văn Xú, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành đang có tài sản hơn 2.000m2 đất cùng 48 phòng trọ cho thuê.

Trường hợp của ông Giang được lãnh đạo Chi cục THADS huyện Châu Thành lý giải là do vụ việc đang gặp vướng trong khâu định giá, kê biên tài sản của ông Xú nên chưa thể thi hành.

Cục THADS tỉnh phân tích thêm, hiện có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến các vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng, án chậm thi hành như 2 trường hợp trên. Trong đó, nguyên nhân khách quan phổ biến nhất là do đương sự không có tài sản, điều kiện thi hành án...

Chẳng hạn các vụ việc thi hành án liên quan nợ hụi, một người phải thi hành án cho nhiều người với giá trị lớn. Nếu như đương sự cố ý tẩu tán tài sản hoặc có tài sản nhưng đã thế chấp vay ngân hàng thì rất khó trong việc kê biên, phát mãi tài sản để thu hồi tiền trả nợ.

“Có những vụ việc đương sự chống đối nên chậm thi hành án; có trường hợp tài sản bán đấu giá xong thì tòa án cấp cao hủy án hay Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chưa đồng thuận cho cơ quan thi hành án giao tài sản nên chúng tôi cần thêm thời gian giải quyết”, ông Hồ Thanh Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, chia sẻ.

Nói về nguyên nhân chủ quan, các cơ quan THADS cho rằng phần lớn là do chấp hành viên chưa bám sát kế hoạch thi hành án đã đề ra; quá trình giải quyết các vụ việc còn thiếu kiên quyết, chưa mạnh dạn đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm. Hạn chế này xuất phát từ trình độ, thái độ, trách nhiệm từng cá nhân chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đức Biên, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho hay thời gian tới, sẽ chỉ đạo chi cục THADS các địa phương tập trung toàn lực trong giải quyết án; rà soát, kiểm tra, phân loại án đối với 100% số án phải thi hành, bảo đảm chính xác, thực chất về số vụ việc có điều kiện và chưa có điều kiện cũng như tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành còn tồn đọng từ nhiều năm trước.

“Án tồn đọng, chậm thi hành nếu do nguyên nhân chủ quan thì đơn vị sẽ có giải pháp uốn nắn, chấn chỉnh, hỗ trợ; còn án tồn, chậm thi hành hoặc không có điều kiện thi hành do người phải thi hành án có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện thi hành án không có, tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần không ai mua… thì cơ quan thi hành án rất cần sự chia sẻ của các bên”, ông Biên nói.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>