Vì sao thi hành án dân sự gặp khó ?

10/07/2018 | 08:31 GMT+7

Thi hành án dân sự (THADS) là công tác phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Vì thế ngành THADS luôn đối mặt với không ít khó khăn trong thực thi nhiệm vụ...

Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn Duy Oai (đứng), công tác THADS hiện nay còn khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, trong 9 tháng đầu năm (tính từ tháng 10-2017 đến 6-2018), các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã thụ lý thi hành 8.524 việc, với số tiền phải thi hành gần 805 tỉ đồng. Trong đó đã thi hành xong 3.679 việc trong số 6.806 việc có điều kiện thi hành, đạt hơn 54% và thu gần 81 tỉ đồng trong tổng số 613 tỉ đồng.

Lo với chỉ tiêu đạt thấp

Nếu so với chỉ tiêu do Quốc hội giao và Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS năm 2018, thì đến nay ngành THADS tỉnh chỉ thực hiện đạt 54,06%/72% về việc và 13,24%/32% về tiền.

Ông Sơn Duy Oai, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các cơ quan THADS trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp theo đúng trình tự, thủ tục quy định để tổ chức thi hành, song kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm nay chưa cao, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trong đó, loại án liên quan đến tín dụng, ngân hàng hiện nay rất khó giải quyết. Số việc trong lĩnh vực ngân hàng phải thi hành của ngành là 328 việc, chiếm khoảng 4,8% tổng số việc, nhưng số tiền phải thi hành gần 288 tỉ đồng, chiếm trên 46% về tiền có điều kiện thi hành.

“Có những trường hợp khi thẩm định cho vay, ngân hàng định giá tài sản quá cao, nên đến giai đoạn thi hành án thì giá trị còn lại rất thấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết và kết quả thi hành án của ngành”, ông Oai lý giải thêm.

Còn theo ông Trần Quốc Lộc, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, đội ngũ chấp hành viên thiếu là một trong các nguyên nhân chính khiến không ít đơn vị chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Chưa kể công tác bán đấu giá tài sản trong THADS là giải pháp giúp giảm số vụ việc tồn đọng ở cơ quan thi hành án. Tuy nhiên trên thực tế, có trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành, nhưng không bàn giao được do có tranh chấp, chống đối quyết liệt của người đang quản lý tài sản.

Như vụ ông Nguyễn Văn Ý, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Khi căn cứ bản án, ông Ý có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Ngọc Chi số tiền 49,5 triệu đồng và gần 20 chỉ vàng. Thế nhưng ông Ý cố tình không thi hành, nên Chi cục THADS huyện đã ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất gần 4.000m2 của ông Ý, sau đó tiến hành thẩm định, bán đấu giá và ông Đinh Mộng Dân là người trúng đấu giá. Ông Dân đã chi trả tiền và kết thúc thi hành án từ ngày 28-10-2010. Tuy nhiên khi cưỡng chế giao đất xong, ông Ý cố tình chiếm lại sử dụng cho đến nay. Thậm chí lúc ông Dân vào sử dụng, ông Ý còn có hành vi cầm dao đe dọa.

Bất cập trong chính sách

Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn Duy Oai, bên cạnh những khó khăn từ thực tiễn, ngành còn gặp các vướng mắc về chính sách trong quá trình thực thi công tác thi hành án.

Cụ thể như quy định tại Thông tư 08/2015 của Bộ Tư pháp, nhiều vụ việc cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành án do phải hoãn, tạm đình chỉ, lý do khác,… nhưng lại được thống kê là việc có điều kiện thi hành. Cho nên tỷ lệ số việc có điều kiện thi hành trên tổng số phải thi hành cao, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải quyết của các cơ quan thi hành án.

Liên quan đến việc áp dụng Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bởi theo Điều 12 (thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm) nghị quyết thì số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng.

Như vậy, khi cơ quan THADS không trích được tiền từ số tiền xử lý tài sản đảm bảo để người phải thi hành án thuê nhà, thì lúc cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá, họ sẽ không có chỗ ở, nên cơ quan thi hành án khó có thể thực hiện.

Mặt khác, về phía ngân hàng hiện nay cũng có quy định riêng về chế độ bảo mật cho khách hàng, nên không cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án hoặc chỉ cung cấp khi có sự đồng ý của khách hàng, lãnh đạo ngân hàng cấp trên, dẫn đến việc thi hành án kéo dài.

Đối với trường hợp ngân hàng đồng ý việc thi hành án, xử lý tài sản thế chấp theo Điều 90 Luật THADS, thì tiền bán tài sản đảm bảo không được ưu tiên thanh toán các khoản như án phí, nghĩa vụ tài chính khác... Vì vậy, khi giải quyết các vụ việc loại này thường phát sinh khiếu nại của người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác THADS.

Cần chủ động trong công tác phối hợp

Phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh, cho rằng, công tác phối hợp là rất quan trọng, bởi thi hành án là công việc đặc biệt, không thể làm một mình. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các đơn vị thời gian qua vẫn còn hạn chế và lúng túng.

Do đó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tới đây, ngành THADS tập trung toàn bộ sức lực, phát huy hiệu quả công việc, nhất là chủ động trong công tác phối hợp để hướng đến đạt được những chỉ tiêu đã đề ra. Phải giải quyết triệt để các vấn đề lớn, trọng điểm, đồng thời tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các vụ tái chiếm theo đúng quy định pháp luật,…

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>