Xây dựng, thực hiện quy ước hiệu quả

27/10/2017 | 07:46 GMT+7

Trong những năm gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã góp phần hỗ trợ không nhỏ trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư.

Kiểm tra xây dựng quy ước tại ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

Với tầm quan trọng đó, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, hàng năm, UBND huyện Châu Thành đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện. Riêng năm 2017, huyện đã ban hành kế hoạch phát động thi đua trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” và hòa giải ở cơ sở; kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện hương ước, quy ước của huyện, đồng thời triển khai các kế hoạch đến xã, thị trấn trên địa bàn.

Năm 2016, 14 ấp thuộc xã Đông Phước và xã Đông Phú được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt quy ước. Năm 2017, có 26 ấp thuộc xã Phú An, xã Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt quy ước. Hiện nay, còn xã Phú Tân, xã Đông Phước A và xã Đông Thạnh; Phòng Tư pháp huyện Châu Thành tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục pháp lý tính quy phạm xã hội của quy ước trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt.

Theo Thông tư liên tịch số 03 ngày 31/3/2000 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, việc soạn thảo quy ước được thực hiện thông qua nhóm soạn thảo gồm trưởng ấp, bí thư chi bộ ấp, trưởng ban công tác Mặt trận cùng với cán bộ hưu trí, cựu chiến binh và một số người khác có uy tín, trình độ trong ấp. Dự thảo quy ước được gửi đến HĐND, UBND xã và từng hộ gia đình để đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện. Dự thảo quy ước sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện được gửi đến các tổ chức chính trị - xã hội, các hộ gia đình trong ấp và tổ chức họp dân để thảo luận, thống nhất thông qua dự thảo quy ước.

Ông Đặng Đoàn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Phước, cho biết: “Các quy ước được xây dựng đảm bảo không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng và phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của người dân địa phương. Hầu hết các quy ước đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề ra các biện pháp quản lý xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp nhau trong phát triển kinh tế, giữ vững thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong gia đình và nhân dân trong ấp, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự, an toàn xã hội”.

Các quy ước sau khi được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: họp dân phổ biến từng hộ gia đình; qua hệ thống truyền thanh huyện và loa phát thanh; niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã, nhà văn hóa, tổ chức sinh hoạt tập trung tại các khu dân cư, gắn việc tuyên truyền quy ước thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18-11) hàng năm. Qua đó, mức độ chấp hành, thực hiện của người dân đối với quy định được đề ra trong quy ước được tuân thủ.

Ông Ngô Bửu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành, nói: “Cấp ủy và chính quyền địa phương có sự quan tâm, chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện quy ước gắn với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, góp phần quản lý xã hội, đảm bảo phù hợp, hài hòa, giữ gìn nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa ở địa phương. Công tác phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, xây dựng, thực hiện quy ước cũng được cấp ủy chính quyền cấp xã quan tâm, gắn với việc thực hiện một số phong trào, cuộc vận động quần chúng xây dựng nông thôn mới. Việc rà soát, sửa đổi bổ sung quy ước để điều chỉnh, quy định các vấn đề mới theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị phát sinh như chính sách dân số, xây dựng nông thôn mới, có tác động rõ nét đến việc thực hiện văn minh, văn hóa trong việc cưới, việc tang được chú trọng. Thực hiện quy ước góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở, bài trừ hủ tục lạc hậu, hình thành chuẩn mục xã hội phù hợp với truyền thống, phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở”.  

Hiện nay, thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở, nhiều địa phương đã xây dựng thực hiện quy ước, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong nhân dân, xóa đói giảm nghèo...

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>