Xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm: Khó và cần quan tâm hơn nữa

06/07/2017 | 07:22 GMT+7

Trong khi tình trạng sản xuất, cung ứng thực phẩm không đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng còn diễn biến khá phức tạp thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng đang tồn tại một số khó khăn nhất định. 

Công an bắt giữ hơn 3 tấn phụ phẩm động vật đang trong quá trình phân hủy ở huyện Phụng Hiệp hồi đầu năm.

Sáu tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ thực phẩm mất an toàn khiến người tiêu dùng lo lắng. Biểu hiện rõ nhất là thông qua các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, không ít cử tri bày tỏ ý kiến băn khoăn, ngán ngại trước vấn nạn “thực phẩm bẩn” rất khó kiểm soát.

Những vụ vi phạm điển hình

Thời điểm đầu năm, cơ quan chức năng tỉnh đã bắt quả tang xe tải mang biển số 64C-03312 do tài xế Lê Văn Kết, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, điều khiển chở hơn 3 tấn phụ phẩm không rõ nguồn gốc gồm: da, lỗ tai động vật đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối giao cho các cơ sở sơ chế trên địa bàn huyện Phụng Hiệp mang đi tiêu thụ ngoài thị trường. Trong đó, có gần 2 tấn được giao cho một cơ sở ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp để cung ứng cho tiểu thương tại các chợ vùng sâu của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Cách nay hơn 20 ngày, cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng bắt quả tang cơ sở sơ chế bắp chuối của bà Trần Kim Phụng, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, dùng chất tẩy công nghiệp Sodiumhydrosulfite hòa vào nước sông ngâm 200kg bắp chuối bào cho trắng để bán ra thị trường. Chất tẩy công nghiệp đó được xác định có xuất xứ từ Trung Quốc và được dùng trong ngành dệt, giấy… Bà Trần Kim Phụng thừa nhận với cách làm này, từ nhiều tháng trước, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà cung cấp trên 100kg bắp chuối bào sẵn ngâm với hóa chất trên cho các điểm mua bán ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn gần đây, người tiêu dùng cảm thấy bất ngờ với thông tin một hộ dân ở phường III, thành phố Vị Thanh mua phải trứng gà chứa chất lạ bên trong với giá rẻ bèo (10.000 đồng/chục).

Mới đây nhất, nhiều bà nội trợ ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, xôn xao trước hiện tượng nếp chuyển màu sau khi chế biến. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, trong vòng 1 tháng trở lại đây, đơn vị đã tiếp nhận được 4 lượt phản ánh từ người dân về hiện tượng bất thường này. Vì vậy, đơn vị sẽ tiếp tục liên hệ với các nhà khoa học và trung tâm kiểm định trong nước để sớm kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Cơ quan chuyên môn than khó

Từ những vụ vi phạm điển hình trên phần nào cho thấy tình trạng sản xuất, cung ứng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng vẫn đang diễn ra khá phức tạp ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm gặp một số khó khăn nhất định.

Trước hết là do văn bản pháp quy còn bất cập, trong khi trang thiết bị, nhất là kinh phí phục vụ cho quá trình thanh, kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất, kể cả lấy mẫu gửi cơ quan có thẩm quyền phân tích, kiểm định để làm cơ sở xử lý về sau khá hạn chế.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho rằng: “Vấn đề thanh, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được tiến hành liên tục, thường xuyên chứ không thể thực hiện ở tháng cao điểm hay theo mùa vụ sản xuất là đủ. Do đó, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần quan tâm phê duyệt sớm kinh phí hàng năm nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho công tác này, nhất là tới đây đơn vị sẽ tiến hành triển khai thực hiện Kế hoạch Năm cao điểm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017”. 

Còn theo ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bên cạnh không có kinh phí để tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng thanh, kiểm tra ở các địa phương thì cụm từ giữa 2 văn bản pháp quy chưa thống nhất nên không thể xử lý được cơ sở vi phạm.

Cụ thể, tại mục 2, Điều 11 Nghị định 178 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu phải “tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm”; còn tại Chương III Thông tư 47 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lại đòi có “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”. “Chúng tôi đã có tờ trình gửi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tham mưu cho Bộ Y tế sớm điều chỉnh cụm từ giữa 2 văn bản pháp quy cho thống nhất, góp phần giúp cho công tác kiểm tra, xử lý của ngành được chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, ông Khởi thông tin.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các tổ chức, cá nhân có thể phản ánh thông tin về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm qua số điện thoại đường dây nóng: 07113.580.470 (giờ hành chính) hoặc di động: 0907 080 470; hộp thư điện tử: thanhtrannhg@gmail.com.

Tổ chức, cá nhân sẽ được giữ kín thông tin cá nhân và nội dung của thông tin theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm sẽ được thưởng. Cụ thể, không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và mức tối đa không quá 5.000.000 đồng.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>