Báo chí và công an ‘hợp đồng tác chiến’ bảo vệ an ninh Tổ quốc

07/06/2017 | 14:42 GMT+7

Cần xác định rõ bản chất của công an nhân dân (CAND) là công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân, trong đó, không có giải pháp nào tốt hơn là thông qua lực lượng báo chí.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô lâm phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Huy Thắng

buổi tọa đàm “Vai trò của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ, an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND” do Bộ Công an tổ chức ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam trải qua chặng đường 92 năm phát triển đã không ngừng lớn mạnh, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND cho thấy, báo chí là một kênh thông tin quan trọng giúp công an phòng ngừa, điều tra, khám phá tội phạm. Báo chí cũng giúp giám sát kịp thời các sai phạm trong công tác của một số cán bộ; giúp lãnh đạo lực lượng CAND kịp thời xử lý, chấn chỉnh những khuyết điểm, giúp việc quản lý xây dựng đội ngũ lực lượng hiệu quả.

Từ những lý do trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, vai trò báo chí với công tác bảo đảm an ninh trật tự chính trị và xây dựng lực lượng công an là rất quan trọng.

Đại diện các cơ quan báo chí, ông Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong chỉ số toàn cầu đánh giá các nước và khu vực, chỉ số về mức độ ổn định chính trị của Việt Nam luôn ở mức cao. Đạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của toàn dân, toàn quân, trong đó có vai trò nòng cốt là lực lượng CAND và sự đóng góp không nhỏ của báo chí.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Ninh, thời gian vừa qua báo chí vẫn chưa thật sự có nhiều tin, bài phân tích sâu sắc về ổn định chính trị, cũng như sự đóng góp thầm lặng và lớn lao của lực lượng CAND. Vì lợi ích kinh tế, vẫn còn không ít tờ báo, trang mạng xã hội chạy theo những sự kiện giật gân, câu khách, cố tình đi sâu vào các vụ án ly kỳ, chủ yếu gây sự tò mò thu hút người đọc. Do đó, theo ông Ninh, thời gian tới, báo chí và công an cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Ngành công an cần có những đầu mối phát ngôn kịp thời hơn, tạo điều kiện để báo chí chính thống tiếp cận thông tin sớm, đầy đủ hơn để kịp thời lan toả thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần có sự tìm tòi để có nhiều bài viết sâu sắc hơn, tuyên truyền để người dân thấy được nguyên nhân của những thành công đó. Cần tuyên truyền tốt hơn về lợi thế môi trường ổn định, từ đó tăng cường thu hút thêm các nhà đầu tư trên thế giới đến Việt Nam làm ăn, sản xuất kinh doanh.

Có cùng quan điểm, đại diện một số cơ quan báo chí cho rằng, sự ổn định chính trị và bình yên của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của lực lượng CAND. Nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ vẫn chưa được phát hiện, tuyên truyền, biểu dương kịp thời. Mặc dù vậy, bên cạnh đó vẫn có những cán bộ, chiến sĩ công an mắc khuyết điểm, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ CAND.

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lãnh đạo các đơn vị, cục, lãnh đạo cơ quan công an các địa phương cần nâng cao nhận thức, đáp ứng kịp thời các yêu cầu chính đáng về cung cấp thông tin, phối hợp thường xuyên, phát huy tinh thần đoàn kết với lực lượng báo chí trong đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự.

Lực lượng CAND cần nhận thức rõ, báo chí là ngành nghề đặc thù chuyên môn cao, được pháp luật quy định bảo vệ, có sự đóng góp tích cực trong đấu tranh bảo vệ an ninh, do đó, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ báo chí tác nghiệp, phát huy vai trò của mình, góp phần phối hợp với lực lượng công an bảo đảm an ninh quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị khi có thông tin phải cung cấp kịp thời vào thời điểm thích hợp, thực hiện cơ chế cung cấp thông tin định kỳ cũng như các vấn đề nổi lên một cách thường xuyên cho báo chí và dư luận thông qua người phát ngôn của lực lượng, hay sự tham gia của lãnh đạo các cấp.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng chia sẻ, dù không có bất cứ “vùng cấm” nào cho báo chí, nhiều hoạt động của ngành công an đòi hỏi các yếu tố bí mật, nhạy cảm, nên nhiều lúc, để bảo đảm hiệu quả điều tra, vẫn có một số giới hạn trong cung cấp thông tin, hay không thể tuyên truyền ngay được. Những lúc đó, các nhà báo rất cần có cách nhìn khách quan, tuyên truyền linh hoạt, mềm dẻo, có sự chia khó khăn với ngành để thực hiện nhiệm vụ chung.

Đưa ra định hướng quan trọng, Bộ trưởng Bộ Công an quán triệt các đơn vị cần xác định rõ, bản chất hoạt động CAND chính là là công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân, trong đó, không có biện pháp nào tốt hơn là thông qua lực lượng báo chí.

“Vũ khí của chủ yếu của công an là pháp luật, không phải súng đạn, trấn áp. Cần chú trọng xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn. Cần có sự vận động tuyên truyền quần chúng nhân dân thực hiện đúng luật pháp”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu để người dân luôn có cảm giác bất an, không cảm nhận được sự an toàn, yên lành thì đó trách nhiệm của công an.

“Về lâu dài, chúng tôi cũng không quá đặt nặng mục tiêu thành tích phá bao nhiêu vụ án, bắt được bao nhiêu đối tượng, mà hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường an toàn lành mạnh cho người dân”, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.

Đối với các nhà báo, lãnh đạo Bộ Công an mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh, vạch trần âm mưu phương thức thủ đoạn của tội phạm, thực hiện xung kích đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trong thời gian tới, với sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí, ngành công an sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định xã hội, đồng thời, xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>