Chuyện về tiểu đoàn anh hùng

23/06/2017 | 07:23 GMT+7
Đại tá Lê Trọng Nghĩa kể về một thời anh hùng.

Thời chiến, họ can trường quyết tâm vào sinh ra tử để bảo vệ Tổ quốc; thời bình tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Đó là những cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng.

Do yêu cầu kháng chiến chống kẻ thù xâm lược lúc bấy giờ rất ác liệt, nên đầu năm 1964, lực lượng vũ trang Cần Thơ phát triển thêm 5 đại đội bộ binh độc lập và một số đơn vị binh chủng. Để có quả đấm mạnh làm tiêu hao sinh lực địch, cấp tỉnh phải có tiểu đoàn bộ binh đảm đương vai trò chủ lực, tạo niềm tin để toàn dân đánh địch. Từ sự chỉ đạo của Quân khu, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập tiểu đoàn bộ binh theo biên chế chính quy, trang bị mạnh với 3 đại đội bộ binh, 2 đại đội binh chủng; có hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ tham gia, lấy tên là Tiểu đoàn Tây Đô, ra mắt tại ấp Phương An, xã Phương Bình.

Chiến công hiển hách

Đến nay đã tròn 53 năm thành lập (24/6/1964 - 24/6/2017), những chiến công của đơn vị vẫn không thể phai mờ đối với đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Tây Đô, Phó Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô.

Dù ở tuổi 72 nhưng khi nhắc đến những ngày đầu thành lập và các trận đánh của đơn vị thì ông đều nhớ như in. Đại tá Nghĩa thông tin: “Đặc trưng của tiểu đoàn ít mà thắng nhiều, càng khó khăn thì càng thắng lớn, luôn tiên phong trong các chiến dịch lớn như Tết Mậu Thân 1968, mùa Hè 1972 và mùa Xuân 1975”.

Lãnh đạo Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô tặng quà cho các gia đình chính sách tại xã Phương Bình.

Cũng theo đại tá Nghĩa, lời thề sắt son: “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt” trước Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cần Thơ trong ngày thành lập đã thấm sâu vào máu của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn trong suốt quá trình tham gia kháng chiến. Thật vậy, mọi nơi mà đơn vị đi qua đều in đậm chiến công. “Ngày 30-6-1964, tại xã Trung An, huyện Thốt Nốt là chiến công đầu tuyệt vời, thể hiện đầy đủ 2 chức năng của đội quân chiến đấu và công tác. Đây là bước khởi động hoàn hảo để đơn vị tự tin trong những trận đánh tiếp theo”, đại tá Nghĩa thông tin thêm.

Nối tiếp chiến công ấy, ngày 12-8-1964, đơn vị thắng trận Xẻo Môn Cạn; ngày 18-8, thắng trận Lái Hiếu là bản anh hùng ca mà C31, C23, C28 đồng tác giả tiến công đẩy tiểu đoàn bảo an Phong Dinh của địch sụp đổ tan tành bên bờ kênh này. Trận diệt đồn Cái Sơn giải phóng xã Phương Bình là dịp đền đáp công lao nuôi dưỡng, cưu mang của bà con đối với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Chiến công nối tiếp chiến công, về Ô Môn đơn vị diệt đồn Bình An; trở lại Phụng Hiệp làm nên chiến thắng Tầm Vu oanh liệt; xuống Long Mỹ góp phần cùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 đánh thắng đoàn xe quân sự Mỹ - ngụy tỉnh Chương Thiện, đoạn qua ngã ba Vĩnh Tường đến cầu Nàng Mau.

Cuối năm 1965, năm đầu của chiến tranh cục bộ do Mỹ phát động, Tiểu đoàn Tây Đô bền gan chiến đấu, kiên cường bám trụ trước sự tàn bạo của kẻ thù. Khi cuộc chiến vào giai đoạn quyết liệt thì chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng phát huy mạnh mẽ, vượt qua muôn trùng thử thách để đánh giặc, thể hiện chủ nghĩa yêu nước, niềm tin tất thắng từ sự kiên định của Đảng và Bác Hồ. Có những trận đánh trên sức mình mà vẫn thắng như: Cái Sắn (năm 1966), Vòng Cung (năm 1968), Quang Phong (năm 1972), Một Ngàn (năm 1974) làm cho kẻ thù khiếp sợ. 

11 năm chống Mỹ, Tiểu đoàn Tây Đô đã tác chiến trên 400 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt, làm bị thương và bắt giữ trên 20.000 tên Mỹ - ngụy; bắn cháy 25 xe bọc thép, tàu chiến, bắn rơi 17 máy bay... Trận đánh tạo tiếng vang lớn phải kể đến trận rạch Ông Hào diễn ra vào ngày 8-6-1965. Trong ký ức của đại tá Nghĩa, diễn biến về trận đánh oanh liệt này còn hiện rõ mồn một. Đại tá Nghĩa kể ngày 7-6-1965, đơn vị đang đóng quân ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) thì được lệnh hành quân về Trường Long chuẩn bị chiến đấu. Đến nơi, các đơn vị bố trí đội hình xong lại bắt đầu đào công sự tới 2 giờ sáng để phòng ngự trước khi tiến công địch.

Sáng ngày 8-6, sau trận đánh với Đại đội 20 - Trung đội nữ địa phương quân, địch tung 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 21 nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn Tây Đô. Khi địch tấn công thì các cụm pháo xung quanh bắn dồn dập vào quân ta; trên bầu trời, máy bay địch ném bom dữ dội. Các đại đội giành giật với địch từng bờ liếp, có khi đối mặt không quá 10m. Sau khi địch ném bom sập nhà thờ, làm chết trên 121 người dân, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô nhận được lệnh bắn máy bay địch, trả thù cho đồng bào. Đồng chí Huỳnh Văn Tèo, bảo vệ Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Đơ bắn rơi máy bay B57 của địch, khiến chúng phải lùi đội hình tấn công.

Với mưu trí, lòng quả cảm cùng tinh thần đồng đội thiêng liêng, Tiểu đoàn Tây Đô đã đánh tan từng đợt tiến công của địch. Kết thúc trận đánh, ta diệt 674 tên, thu nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự... Về phía Tiểu đoàn Tây Đô, 37 đồng chí hy sinh, 57 đồng chí bị thương. “Trận này mang ý nghĩa lớn lao khi ta lấy ít đấu nhiều. Dù phương tiện, vũ khí không bằng nhưng đã giáng cho địch một đòn kinh hoàng. Trên hết là đỉnh cao trí tuệ, mưu lược từ người chỉ huy và tinh thần dũng cảm của người lính Tây Đô. Các anh đã giữ trận địa, kiên cường đánh địch”, đại tá Nghĩa khẳng định.

Sau ngày thống nhất đất nước, Tiểu đoàn Tây Đô còn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Những ngày chiến đấu tại Campuchia thật cam go, phải đương đầu với loại chiến tranh du kích của Khmer Đỏ nhưng dũng khí Tây Đô không ít lần làm cho quân địch sợ hãi. Có trận tiêu diệt cả phân hiệu sư đoàn địch, làm thất bại âm mưu chiến lược của chúng. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tiểu đoàn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng Ra đi là chiến thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Nghĩa tình đồng đội

Những ngày qua, khi lực lượng chức năng của thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tây Ninh tất bật chuẩn bị kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập tiểu đoàn, 15 năm Ngày thành lập Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô thì một số cán bộ, chiến sĩ từng vào sinh ra tử của tiểu đoàn cảm thấy ấm lòng hơn khi được hỗ trợ xây nhà tình đồng đội.

Theo Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, nhân sự kiện này, đơn vị vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ xây 49 căn nhà để anh em ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, nâng tổng số nhà tình đồng đội được xây cất 15 năm qua lên 1.000 căn.

Ông Lê Quốc Dũng cảm thấy ấm lòng hơn khi được Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô hỗ trợ xây lại căn nhà.

Những ngày qua, ông Lê Quốc Dũng, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, khi được hỗ trợ xây nhà cảm thấy phấn khởi hơn. Đang lau cánh cửa vẫn còn mùi sơn chuẩn bị cho ngày bàn giao nhà, ông Dũng vui vẻ nói: “Bây giờ có nhà mới rồi, gia đình tôi không còn phải lo dùng thau để hứng nước mỗi khi trời mưa nữa. Đó là nhờ Ban Liên lạc giúp đỡ. Thật sự tôi rất hạnh phúc, ấm lòng”.

Từng là chiến sĩ của Tiểu đoàn Tây Đô, ông Dũng không nhớ cùng đơn vị tham gia bao nhiêu trận đánh, chỉ nhớ mỗi khi có lệnh hành quân là sẵn sàng. Sau ngày giải phóng, ông tham gia công tác ở địa phương rồi về hưu năm 2000.

Hơn 10 năm trước, ông từng cất căn nhà với mái lợp tôn, vách lá. Qua nhiều năm, căn nhà xuống cấp nặng, không ít lần ông dự định sửa lại nhưng chẳng thành vì điều kiện kinh tế còn thiếu thốn. Thấy vậy, vào tháng 5-2017, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô hỗ trợ 32 triệu đồng để cùng gia đình ông cất lại căn nhà mới trị giá gần 130 triệu đồng. Ông Dũng chia sẻ: “Đây không chỉ đơn giản là chuyện hỗ trợ nhà mà còn nhắc nhở tôi về ý nghĩa hoạt động của Ban Liên lạc. Tôi sẽ quan tâm, giáo dục con cháu mình nhiều hơn nữa để chúng trở thành công dân tốt cho xã hội”.

Đó là một trong 49 căn nhà mà Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn về nhà ở trong đợt này. Đây không chỉ đơn thuần là chuyện hỗ trợ nhà ở mà còn chứa đựng biết bao tấm lòng nhân ái, tình cảm của các nhà tài trợ dành cho những người một thời vì nước quên thân trong kháng chiến vĩ đại.

Tình đồng đội còn được Ban Liên lạc tri ân đối với những người lớn tuổi bị bệnh, từ trần; có đồng đội từ trần ở tận tỉnh Tây Ninh nhưng hay tin là Ban Liên lạc tranh thủ đến viếng.

Theo đại tá Nghĩa, tôn chỉ, mục đích, định hướng của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô là nhắc nhau giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân và truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô: Ra đi là chiến thắng; gắn kết anh, chị em, thân nhân liệt sĩ để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, động viên nhau sống tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật nhà nước; tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tất cả đều góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà thời gian qua.

Đối với Ban Liên lạc thì quãng thời gian 15 năm thành lập khá muộn, bởi thế hệ mở đầu hiện đã quá 80 tuổi. Tuy nhiên, đây là tiền đề quan trọng để những người kế thừa tiếp tục phát huy tôn chỉ, mục đích gắn kết nghĩa tình đồng đội, nhắc nhau sống tốt giữa đời thường, làm gương cho thế hệ trẻ, xứng đáng là cựu chiến binh gương mẫu.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>