Hiệu quả ứng dụng công nghệ vào giữ gìn an ninh trật tự

10/10/2018 | 08:10 GMT+7

An ninh trật tự (ANTT) ổn định có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, ngành chức năng của tỉnh và người dân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, cách làm đang cho hiệu quả tích cực.

Bài 1: Ứng dụng công nghệ vào quản lý hành chính

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nơi lưu trú và có thể biết ngay nơi nào đang mất trật tự để kịp thời can thiệp...

Tiện ích của phần mềm “Quản lý nơi lưu trú qua internet” giúp chủ cơ sở kinh doanh đỡ tốn thời gian, công sức đăng ký tại công an địa phương.

Thượng tá Nguyễn Văn Thận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, khẳng định: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đã giảm đáng kể công sức, chi phí cho chủ cơ sở kinh doanh lưu trú; giảm bớt thời gian đi lại cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ. Với những công nghệ chúng tôi ứng dụng thì ở đồng bằng sông Cửu Long khá hiếm”.

Đăng ký tạm trú nhanh

Chị Nguyễn Thị Mộng Quyền, nhân viên khách sạn Thanh Hương, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Bây giờ, đăng ký tạm trú cho khách không còn mất nhiều công sức, thời gian như trước bởi có phần mềm “Quản lý nơi lưu trú qua internet” mà công an triển khai. Do đó, chỉ cần ngồi tại cơ sở là đăng ký được ngay”.

Rồi chị Quyền lấy giấy chứng minh nhân dân của một khách vừa đến nghỉ để đăng ký tạm trú qua công an phường. Sau khi mở phần mềm và truy cập tài khoản, chưa tới 1 phút chị Quyền đã đăng ký xong.

Trước đây, đăng ký tạm trú cho khách, các cơ sở kinh doanh lưu trú phải trực tiếp đến công an xã, phường, thị trấn; chưa kể là việc quản lý người đến tạm trú của công an địa phương có nơi chưa thật sự chặt chẽ.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, Công an tỉnh đã sử dụng phần mềm “Quản lý nơi lưu trú qua internet” và triển khai đến công an cấp xã trên địa bàn.

Tiện ích của phần mềm này là công an địa phương có thể giám sát việc đăng ký của cơ sở có chính xác không; cơ sở có bao nhiêu phòng; khách trả phòng vào lúc nào? Hoặc cuối tháng, cơ sở không cần mở sổ để cộng lượng khách đến tạm trú mà chỉ vào phần mềm thực hiện một vài thao tác là có kết quả.

Hoặc một tiện ích khác là nếu có tội phạm xảy ra nhưng can phạm đăng ký đang tạm trú ở một cơ sở lưu trú nào đó trên địa bàn tỉnh thì qua phần mềm sẽ biết được đối tượng đang ở nhà nghỉ nào, phòng mấy...

Theo trung tá Châu Hoàng Nam, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, việc ứng dụng phần mềm này ở cơ sở được triển khai năm 2016. Để sử dụng phần mềm hiệu quả, đơn vị đã tổ chức tập huấn cho công an cấp xã, sau đó họ tổ chức tập huấn, triển khai đến tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú.

Hiện Hậu Giang có trên 1.300 cơ sở kinh doanh lưu trú và khoảng 800 cơ sở áp dụng phần mềm trên. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các cơ sở còn lại ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý để tiện cho cơ sở và góp phần hiệu quả vào việc cùng công an giữ gìn trật tự xã hội”, trung tá Nam cho biết thêm.

Quản lý cuộc gọi quấy phá

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, trung bình mỗi tháng, Đội Cảnh sát 113 tiếp nhận khoảng 1.200 cuộc gọi trêu trọc, quấy phá, chủ yếu báo tin giả, nhá máy, chửi tục… Ngày cao điểm nhất có tới trên 200 cuộc gọi.

“Trước đây, khi đối tượng trêu trọc, quấy phá, báo tin giả ở bục điện thoại công cộng còn dễ phát hiện, bây giờ họ dùng điện thoại di động và xài “sim rác” nên việc bắt quả tang rất khó”, thượng tá Thận cho hay.

Để hạn chế “đi không về không” xử lý 1 vụ việc khi nhận tin báo, đơn vị phối hợp với nhà mạng trên địa bàn trong việc cung cấp số điện thoại của chủ thuê bao thông qua sử dụng phần mềm “Quản lý, tiếp nhận và giám sát cuộc gọi”.

Theo đó, khi nhận cuộc gọi của người dân, nếu số điện thoại chính chủ sẽ hiển thị trên màn hình của Trung tâm Chỉ huy là số điện thoại, họ tên, địa chỉ người gọi và đội chỉ cần mất một ít thời gian là giải mã được thông tin thật hay giả.

Với việc sử dụng phần mềm trên, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận gần 11.000 cuộc gọi, trong đó có gần 50 vụ việc liên quan đến ANTT được can thiệp, xử lý kịp thời.

Hiện Công an tỉnh còn đang ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vũ khí, làm giấy chứng minh nhân dân… Từ đó, triệt phá nhiều vụ liên quan đến trật tự an toàn xã hội.

“Việc sử dụng các phần mềm trên được xem là sự đổi mới của Công an tỉnh. Chúng tôi sẽ xem xét, khai thác hiệu quả các ứng dụng để công tác quản lý hành chính ở Hậu Giang chặt chẽ hơn”, thượng tá Nguyễn Văn Thận nhấn mạnh.

Công an cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh bây giờ còn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống tội phạm, bảo vệ tài sản của mình, góp phần ổn định ANTT địa bàn.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

-----------------------

Bài 2: Công nghệ góp phần đảm bảo trật tự xã hội

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>