Kiên trì bám biển, vững vàng nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế

25/05/2023 | 14:51 GMT+7

Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với xây dựng, củng cố LLVT nói chung, Quân chủng Hải quân nói riêng, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn quan tâm xây dựng, phát triển các đơn vị làm nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế trên các vùng biển, đảo. Với chủ trương đó, ngày 27-5-1978, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 415/QĐ-QP thành lập Hải đoàn 129, trực thuộc Quân chủng Hải quân, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam và sản xuất và làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước, Quân đội.

Chỉ huy Hải đoàn thăm, kiểm tra công tác sửa chữa tại Phân xưởng cơ khí, Xí nghiệp sửa chữa. Ảnh: DUY TÂN

Những ngày đầu thành lập, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế, tiếp nhận và khai thác tốt các trang thiết bị hiện có (gồm các loại tàu vỏ xi măng, vỏ gỗ Thái Lan và vỏ sắt 135CV). Tổ chức huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hậu cần, chuẩn bị tốt mọi mặt để sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công. Chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, khai thác, đánh bắt hải sản bằng giã kéo, lưới rê, kết hợp chi viện phục vụ lực lượng Hải quân làm nhiệm vụ ở vùng biển Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Để phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ mới, năm 1991 Hải đoàn có tên dân sự là Công ty 129. Ngày 3-11-1992 theo Quyết định số 45/TTg của Thủ tướng Chính phủ Hải đoàn có tên dân sự là Công ty Hải sản Trường Sa. Ngày 22-7-2010, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên thành Công ty TNHH MTV Hải sản Trường Sa. Dù tên gọi có khác nhau qua các thời kỳ, xong nhiệm vụ của Hải đoàn luôn ổn định và có những bước phát triển. Đặc biệt, từ tháng 11-2016, ngoài nhiệm vụ phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong Quân chủng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam và làm kinh tế quốc phòng, Hải đoàn được Quân chủng Hải quân giao quản lý, vận hành Âu tàu đảo Sinh Tồn và 2 làng chài trên đảo Tốc Tan và đảo Núi Le; tháng 1-2019 tiếp nhận, quản lý, vận hành Âu tàu đảo Trường Sa.

Quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ được giao, Hải đoàn đã thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, SSCĐ, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả công tác, sản xuất kinh doanh. Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn luôn kiên trì bám biển, nâng cao tinh thần cảnh giác SSCĐ, hoàn thành các chuyến biển bảo vệ chủ quyền kết hợp đánh bắt hải sản, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế biển. Cùng với đó, Hải đoàn chủ động phát hiện, tuyên truyền giải thích, ngăn cản, xua đuổi, bắt giữ nhiều lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản, thăm dò địa chấn trái phép trong vùng biển và thềm lục địa nước ta.

Gần 8 năm qua, 2 Âu tàu và 2 làng chài do Hải đoàn quản lý tại Quần đảo Trường Sa đã tuyên truyền cho hàng nghìn lượt ngư dân về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, các khu vực được phép khai thác hải sản theo đúng quy định. Tổ chức hướng dẫn cho hơn 850 lượt tàu cá với hơn 4.300 lượt ngư dân vào tránh trú bão an toàn; hỗ trợ sửa chữa 176 lượt tàu cá ngư dân, cấp hơn 1.500m3 nước ngọt, thuốc men, lương thực thực phẩm miễn phí; cung cấp hơn 600m3 nhiên liệu cho 215 lượt tàu cá của ngư dân.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hải đoàn luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước, bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống người lao động. Từ năm 1998 đến nay, Hải đoàn thường xuyên nắm bắt thị trường, tìm kiếm, thu hút khách hàng; duy trì tốt ngành nghề truyền thống (dịch vụ bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí; dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, công trình biển...); đầu tư, phát triển đột phá dịch vụ sửa chữa cơ khí tàu thuyền và công trình biển, đặc biệt là sửa chữa phần ngầm, chân đế giàn khoan dầu khí, tạo ra hướng tích cực trong chiến lược phát triển... Theo đó, những năm gần đây, doanh thu của Hải đoàn tăng bình quân 11,44%/năm, lợi nhuận 11,02%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người tăng cao.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - kinh tế, Hải đoàn luôn quan tâm đến hoạt động chính sách, xã hội từ thiện. 5 năm qua Hải đoàn đã nhận phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của liệt sĩ; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng 32 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà mái ấm công đoàn, nhà đồng đội tặng các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xây dựng các quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì trẻ thơ”, “Vì người nghèo”; “Phòng chống bão lụt” của Quân chủng Hải quân và địa phương với số tiền hơn 4 tỉ đồng...

Với những thành tích trong xây dựng, phát triển, trưởng thành 45 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động Hải đoàn đã viết nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, khắc phục khó khăn, kiên trì bám biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế”. Hải đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhất, Nhì, Ba); 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 5 cờ thi đua và đoạt cúp “Đơn vị phục vụ SSCĐ bảo vệ biển, đảo tiêu biểu xuất sắc nhất” vĩnh viễn của Quân chủng Hải quân. Đặc biệt, tháng 8-2022, Hải đoàn 129 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong những năm tới, Hải đoàn 129  tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế gắn với quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp phù hợp với xu thế tất yếu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng Hải đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thượng tá BÙI QUANG TÚ (Hải đoàn trưởng Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>