Phòng cháy, chữa cháy: Chuyện không thể thờ ơ !

26/10/2017 | 09:19 GMT+7

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, bởi không may xảy ra cháy, nổ thì hậu quả rất khó lường. Hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại một số công ty, doanh nghiệp, chợ, cơ quan, trường học... về công tác này nhằm kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn những trường hợp chưa chấp hành tốt.

Bài 1: Kiểm tra… là vi phạm

Nhiều lần nhắc nhở vi phạm và hướng dẫn khắc phục, nhưng khi phúc tra thì vẫn gặp những vi phạm trước đó.

Kiểm tra tại Trạm chiết nạp gas Chín Thảo.

Chợ Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy là một trong những chợ lớn ở tỉnh chia làm hai khu vực, một là trung tâm thương mại để mua bán quần áo may sẵn, vải sợi, các mặt hàng khô, và khu mua bán các sản phẩm tươi sống như rau, củ, cá, thịt… Nơi đây còn tập trung rất nhiều hộ dân sinh sống, kinh doanh.

Tại khu trung tâm thương mại, nơi có gần 30 tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, quần áo may sẵn,… thế nhưng, việc chủ động PCCC tại chỗ còn nhiều điều đáng phải bàn.

Bán quần áo may sẵn tại chợ hơn 8 năm, bà Đặng Thị Thanh Lan không hề trang bị bình chữa cháy; sắp xếp, bố trí quần áo thì san sát nguồn điện và hàng năm cũng không tham gia tập huấn về PCCC. Giải thích vấn đề này, bà Lan cho biết: “Ở trung tâm này, tôi có thấy ai mua bình chữa cháy đặt tại nơi kinh doanh đâu, vả lại cũng không nghe ai nhắc nhở, hướng dẫn. Hàng ngày, trước khi về nhà, tôi đều cúp cầu giao cẩn thận nên chắc không đến nỗi xảy ra cháy, nổ (?)”.

Khu trung tâm Thương mại chợ Ngã Bảy chịu sự quản lý của UBND phường Ngã Bảy và được bố trí khoảng 8 bình chữa cháy. Tuy nhiên, một số bình đã quá thời hạn sử dụng, nhiều tiểu thương không biết cách sử dụng. Lối đi cũng bị các tiểu thương lấn chiếm để… bày bán sản phẩm.

Tại khu mua bán mặt hàng tươi sống, việc PCCC của tiểu thương cũng có nhiều hạn chế. Bán hàng bông tại chợ hơn 10 năm và ăn, ngủ, nghỉ tại đây nên bà Phan Thị Tý sử dụng nguồn điện để đun nấu, quần áo, mùng mền thì treo cách nguồn điện không đầy 30cm. Bà Tý hỏi: “Không câu móc như thế thì câu móc thế nào? Tôi làm thế đã nhiều năm rồi, có thấy cháy, nổ gì đâu?”.

Không chỉ có vậy, lực lượng quản lý tại chợ khi được yêu cầu khởi động máy bơm cũng khá… lọng cọng và mất hơn 5 phút máy mới chạy. Nếu có cháy, nổ xảy ra tại khu vực này thì thời gian đó sẽ thiêu rụi một lượng tài sản không nhỏ của người dân. Một bảo vệ chợ giải thích: “Hàng tuần, chúng tôi đều kiểm tra máy bơm và chạy rất tốt, không biết hôm nay lý do gì mà chậm quá”.

Tại Trạm chiết nạp gas Chín Thảo, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, một trong nhưng nơi chiết nạp gas có quy mô lớn của tỉnh, diện tích khoảng 3.000m2 bao gồm 2 bồn chứa, sàn chiết nạp, kho chứa vỏ, trung bình mỗi ngày đơn vị chiết khoảng 270 bình gas loại 12kg. Để đảm bảo công tác PCCC, hàng năm đơn vị đều tham gia tập huấn; trang bị bình chữa cháy; thành lập đội chữa cháy cơ sở; hàng tháng tổ chức cho nhân viên diễn tập chữa cháy… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đơn vị còn nhiều thiếu sót như: một số dây điện không được thiết kế đi trong ống; các bình gas đã qua sử dụng để chồng lên nhau, ngổn ngang; không có nội quy PCCC tại nơi chiết nạp gas; không có sơ đồ bố trí phương tiện chữa cháy; chỗ chiết nạp gas cũng không được bố trí bình chữa cháy…

Thượng tá Lê Hùng Ân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, cho biết: “Đơn vị này có quan tâm đến công tác PCCC nhưng việc thực hiện chưa đúng, do đó tiềm ẩn rất lớn về cháy nổ và nếu xảy ra thì hậu quả hết sức khó lường”.

Qua đánh giá của ngành chức năng, một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và chưa nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác PCCC. Hầu hết các lỗi vi phạm đều thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu như sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu, tự ý cải tạo, cơi nới mở rộng sản xuất; không thực hiện tốt việc phòng ngừa nên thiếu chủ động trong việc xử lý, ngăn chặn cháy, nổ, có nơi còn thực hiện mang tính chất đối phó.

Được biết, việc tổ chức kiểm tra về PCCC được cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên, tuy nhiên, kiểm tra PCCC ở khu dân cư, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn ít, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, chưa mạnh dạn, nghiêm túc.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra trên 2.660 lượt cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp, chợ, trường học và 114 phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Qua đó, lập trên 2.660 biên bản kiểm tra, có 5.425 kiến nghị nhưng chỉ phạt hành chính 1 trường hợp với 800.000 đồng. “Không kiểm tra thì thôi, nếu kiểm tra ở bất kỳ đơn vị nào đều có ít nhiều vi phạm về an toàn PCCC”, thượng tá Ân thừa nhận.

Thế nhưng, việc xử phạt đối với những đơn vị vi phạm lại quá ít. Phải chăng đây là một trong những lý do làm cho các chủ cơ sở xem thường, không thực hiện các quy định về PCCC tại cơ quan, đơn vị, cơ sở của mình?

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

------------

Bài 2: Sẽ tham mưu xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>