Siết chặt phòng cháy, chữa cháy rừng

21/03/2021 | 13:21 GMT+7

Cơ quan chuyên môn dự báo, cao điểm mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu từ cuối tháng 3 này. Do đó, để bảo vệ tốt diện tích rừng, ngành chức năng và các chủ rừng trong tỉnh đã, đang thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Ngành kiểm lâm và các chủ rừng trong tỉnh đang tăng cường kiểm tra thực bì và độ ẩm tại nhiều khu rừng.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mùa khô năm nay tình hình nắng nóng, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh vùng ĐBSCL; đặc biệt, lưu lượng nước xả từ hồ chứa của Trung Quốc qua thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Do đó, mực nước ở các kênh chính, kênh nội đồng sẽ xuống thấp và gây ra tình trạng hạn hán tại nhiều vùng ở ĐBSCL. Với những yếu tố trên sẽ đặt ra không ít thách thức trong công tác PCCCR. Tại Hậu Giang, tuy diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh không nhiều so với một số tỉnh của vùng ĐBSCL, khi chỉ có khoảng 5.541ha. Thế nhưng, rừng ở Hậu Giang có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống, nhất là tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (có 2.805ha rừng), nơi được ví là “lá phổi xanh” cho vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, công tác PCCCR luôn được ngành chức năng, các chủ rừng trong tỉnh đặc biệt quan tâm vào mỗi mùa khô và trong năm nay cũng không ngoại lệ. 

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Ban chỉ đạo), cho biết: Hàng năm, trước khi mùa khô đến thì Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch, phương án về PCCCR để tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh phê duyệt và yêu cầu các chủ rừng trên địa bàn tỉnh sớm tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh còn thường xuyên cập nhật thông tin dự báo về thời tiết, thủy văn, từ đó đưa ra cấp dự báo cháy rừng vào từng thời điểm phù hợp để các chủ rừng có phương án ứng phó kịp thời, nhất là vào cao điểm mùa khô. Ngoài những công việc trên thì đơn vị còn tổ chức nhiều buổi kiểm tra về công tác PCCCR tại các chủ rừng trong tỉnh, cũng như thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng kết hợp với công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong PCCCR.

Cùng với ngành kiểm lâm tỉnh thì các chủ rừng trong tỉnh cũng đang thực hiện nhiều công việc trọng tâm trong PCCCR theo yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh nhằm bảo vệ tốt diện tích đất rừng cho tỉnh. Theo đó, qua kiểm tra mới đây của Ban chỉ đạo tỉnh, hiện tất cả 7/7 chủ rừng trong tỉnh đều có kế hoạch và phương án cụ thể trong PCCCR. Về công tác chủ động ứng phó, hiện chủ rừng tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (có 9ha rừng) thường xuyên tưới nước tạo độ ẩm cho rừng, tổ chức kiểm tra, vận hành các trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR luôn trong tư thế sẵn sàng. Đối với chủ rừng tại Khu Hòa An - Trường Đại học Cần Thơ (có 40ha rừng) đã hoàn thành việc nạo vét kênh, mương phục vụ công tác PCCCR, cũng như tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình trồng tiêu dưới tán tràm nhằm tạo nguồn thu cho nhà trường và gắn với công tác chăm sóc, bảo vệ cây rừng được tốt hơn.

Giống như hai chủ rừng trên, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Việt - Úc (có gần 24ha rừng), thuộc xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho hay: “Hiện nay, do đang vào mùa đốt đồng khi người dân thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân, chuẩn bị xuống giống lúa Hè thu nên đơn vị đang tích cực tuyên truyền những hộ dân có đất ruộng nằm cặp khu rừng cần cẩn trọng trong việc đốt đồng nhằm PCCCR. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành nạo vét thực bì tại những khu vực trọng yếu để trữ nước và thường xuyên bơm nước lên rừng nhằm tạo độ ẩm trong điều kiện nắng nóng gay gắt như hiện nay. Đến nay, đơn vị đã lắp xong camera quan sát tại 10ha vườn chim và chuẩn bị lắp tiếp ở hơn 13ha rừng tràm còn lại để tiện trong công tác quan sát và PCCCR”.

Ngoài thực hiện các công việc thường xuyên như những chủ rừng khác trong tỉnh thì tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (có gần 350ha rừng) đang thực hiện mô hình rất hiệu quả trong công tác PCCCR. Chia sẻ về mô hình này, ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, thông tin: “Xác định nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy rừng là do người dân đốt ong gây ra. Vì vậy, đơn vị tiến hành rà soát tất cả các đối tượng hành nghề đốt ong sống xung quanh Trung tâm để thực hiện việc ký kết hợp đồng. Khi có hợp đồng thì những người này rất cẩn thận trong quá trình đốt ong và không lo lắng, canh chừng lực lượng chức năng để khi phát hiện thì bỏ chạy quăng tàn thuốc đốt ong làm dễ xảy ra cháy rừng. Mặt khác, những người có hợp đồng còn góp phần lớn giúp Trung tâm thực hiện nhiệm vụ PCCCR, bởi khi có người lạ vào rừng thì họ báo ngay để đơn vị xử lý”.

Không chỉ có chủ rừng mà các ngành liên quan của tỉnh cũng đang siết chặt công tác PCCCR, nhất là việc kiểm tra liên ngành tại các cánh rừng nhằm bảo vệ và chủ động PCCCR hiệu quả. Thượng tá Lê Hùng Ân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh, cho hay: “Tới đây, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với ngành kiểm lâm và các chủ rừng trong tỉnh tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR, nhất là tại những cánh rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Bên cạnh đó, trong quá trình tuần tra sẽ kết hợp với công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó tính đến giải pháp là đề nghị người dân ký vào bản thỏa ước phối hợp PCCCR giữa người dân với chủ rừng nhằm tăng tính trách nhiệm lẫn nhau”. Cùng triển khai nhiệm vụ, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, báo cáo với Ban chỉ đạo tỉnh: “Đến thời điểm này, địa phương đã kiện toàn 14 Ban chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã và 64 tổ, đội PCCCR. Ngoài ra, các chủ rừng trên địa bàn huyện cũng xây dựng xong các phương án chữa cháy rừng tại đơn vị mình phụ trách; dự kiến tới đây sẽ tiến hành một buổi diễn tập PCCCR nhằm giúp các chủ rừng có kinh nghiệm hơn trong công tác xử lý khi xảy ra tình huống xấu”.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn thì cao điểm của mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3 này, do đó mọi công tác chủ động ứng phó đang được ngành chức năng và chủ rừng triển khai sớm và đầy đủ. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Qua thông tin nắm được thì hiện nhiều tỉnh của vùng ĐBSCL đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Riêng trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra tại nhiều khu rừng mới đây thì hiện độ ẩm trên rừng vẫn còn cao, thực bì xanh tốt nên Hậu Giang mới đưa ra cấp dự báo cháy rừng ở cấp III (cấp cao). Tuy nhiên, không vì thế mà các chủ rừng chủ quan, lơ là mà phải luôn thực hiện tốt các giải pháp trong PCCCR theo kế hoạch và phương án đã đề ra. Đặc biệt, khi vào cao điểm mùa khô thì các chủ rừng ngoài tăng cường công tác tuần tra mặt đất thì phải đảm bảo việc ứng trực trên tháp canh và thực hiện báo cáo đúng quy định. Bên cạnh đó, Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh sớm thành lập Group trên zalo với các thành viên là Ban chỉ đạo tỉnh, huyện và các chủ rừng để việc thông tin, chỉ đạo liên quan đến công tác PCCCR được nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn. 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>