Thống nhất cao với nội dung Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi)

23/05/2018 | 15:05 GMT+7

Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV vào ngày hôm qua (22-5), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều khẳng định: Dự thảo luật được chuẩn bị công phu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp...

Các ĐBQH cũng làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội, kinh tế-xã hội với quốc phòng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN), vai trò của phòng thủ quân khu...

Khẳng định vai trò, hiệu quả quân đội tham gia xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng

Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng. Theo đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng): Quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng là thực hiện 3 chức năng của quân đội, gồm: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và tiếp nối truyền thống dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Tô Ái Vang nêu dẫn chứng như các đoàn kinh tế quốc phòng ở khu vực biên giới đã không quản khó khăn, gian khổ, luôn gắn bó với nhân dân, góp phần bảo vệ biên giới đất nước; những đơn vị công binh xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế đất nước hay Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) có trình độ khoa học công nghệ quân sự tiên tiến để phục vụ đất nước, quân đội. “Có ý kiến nhận xét, những điều đó không thể đong đếm được bằng tiền. Quân đội ta làm kinh tế không phải là ý muốn chủ quan mà là đặc thù của điều kiện lịch sử và bản chất, truyền thống, chức năng của quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã được lịch sử hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta khẳng định, là nhu cầu thực tế của xã hội, yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho quân đội”, đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ. Bên cạnh đó, đại biểu Tô Ái Vang cũng thống nhất chủ trương quân đội làm kinh tế phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu, làm đúng luật, đúng quy định.

Dự thảo luật cũng quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ quy định của Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) tán thành quy định này bởi đã kế thừa quy định của Luật Quốc phòng hiện hành, đồng thời, thống nhất các chính sách của Nhà nước về quốc phòng. "Các dự án xây dựng trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng. Đây là sự phát triển mới phù hợp với thực tế, đồng thời giải quyết vấn đề nhu cầu cao của quốc phòng và khả năng kinh tế của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu. Ảnh: TTXVN.

Tạo cơ sở pháp lý về phòng thủ quân khu

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Dự thảo luật quy định phòng thủ quân khu là thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới. Mặc dù quân khu không phải là cấp hành chính, song có vị trí, vai trò chiến lược trong phòng thủ đất nước để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược. Quân khu có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoạt động của KVPT; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng trên địa bàn. Khi có chiến sự, đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang (LLVT) chiến đấu bảo vệ địa phương; đồng thời, quân khu mới có đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng mà cấp tỉnh, cấp huyện không giải quyết được. Thực tế cho thấy, các quân khu đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, quân khu là hình thức tổ chức quân sự theo lãnh thổ, Việt Nam đã rất thành công với hình thức tổ chức này. “Phòng thủ quân khu có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong phòng thủ quốc gia, là bộ phận hợp thành của phòng thủ đất nước. Dự thảo luật đã bổ sung quy định nhằm tạo ra hành lang pháp lý chính thức cho phòng thủ quân khu”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Liên quan đến nội dung về công nghiệp QPAN, một số ý kiến đại biểu nêu rõ, quy định công nghiệp QPAN là một trong những chỉnh thể thống nhất sẽ tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp QPAN nói riêng. Đồng thời, phát triển công nghiệp QPAN không làm tăng tổ chức, biên chế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các ý kiến ĐBQH cũng làm rõ những nội dung về chức năng của Bộ đội Biên phòng; chức năng chỉ huy quân sự của các bộ, ngành; nguyên tắc sử dụng LLVT; định nghĩa chiến tranh thông tin; quyền nghĩa vụ công dân với quốc phòng; quy định về thiết quân luật, giới nghiêm…

Dự thảo luật thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước

Phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, về công nghiệp QPAN, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, đẩy mạnh phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia tới năm 2030 tầm nhìn năm 2045 xác định, phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp QPAN và công nghiệp dân sinh. Điều 68, Hiến pháp năm 2013 xác định, Nhà nước xây dựng công nghiệp QPAN bảo đảm trang bị cho LLVT. Các văn bản nêu trên đều quy định xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN trong một thể thống nhất không tách rời nhau.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, những năm vừa qua, công nghiệp QPAN đã nghiên cứu phát triển sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị và các sản phẩm khác bảo đảm trang bị cho quân đội, công an, dân quân tự vệ. Mặt khác, dự thảo luật quy định, Chính phủ xây dựng quy hoạch, kế hoạch đề án phát triển công nghiệp QPAN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của LLVT và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo quản lý điều hành của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN. “Quy định như dự thảo luật là thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tập trung nguồn lực quốc gia cho đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN, không làm tăng tổ chức biên chế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp QPAN hiện nay”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ.

Về kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, quy định của dự thảo luật đã thể chế nghị quyết của Đảng, kế thừa Luật Quốc phòng hiện hành. Hiến pháp năm 2013 xác định tại Điều 64, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân, cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; Điều 68 ghi rõ kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Về quy định bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định đã cơ bản kế thừa Điều 11 của Luật Quốc phòng hiện hành. Theo đó, đa số ý kiến của ĐBQH, các đoàn ĐBQH tán thành quy định này để bảo đảm chặt chẽ, tránh bỏ sót việc phối thuộc, phối hợp thẩm định của Bộ Quốc phòng với các dự án kinh tế-xã hội nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc, bất cập trong thời gian qua. Mặt khác, thông qua việc thẩm định mới xác định được dự án nào liên quan tới quốc phòng. Dự thảo luật quy định những nguyên tắc cơ bản, những chính sách lớn, còn về quy mô, trình tự, hồ sơ, thẩm định, thẩm quyền, thời gian thẩm định các dự án kinh tế-xã hội do các luật chuyên ngành điều chỉnh và giao Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Theo MẠNH HƯNG - VŨ DUNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>