Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

29/09/2019 | 23:46 GMT+7

10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân (2009-2019), các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đẩy mạnh nhiều hoạt động, đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Nhân Hội nghị sơ kết 10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Thanh (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, về vấn đề này. Ông Đồng Văn Thanh nói:

- 10 năm qua, Hậu Giang đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản của Trung ương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc; thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ được các địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện một số đề án về xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm quốc phòng và về công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

Công tác huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm của tỉnh luôn đạt yêu cầu đề ra.

Công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh được thực hiện nề nếp, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngành, địa phương trong tỉnh luôn coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh và ngược lại. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai thực hiện rộng khắp, hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân.

Lực lượng vũ trang tỉnh được xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các quy định, nâng cao khả năng, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử trí các tình huống về quốc phòng - an ninh. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tích cực tham gia giúp đỡ Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Những kết quả quan trọng, thiết thực đó góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2019.

Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân tham gia xây dựng nền quốc phòng ?

- Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt và mọi người dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện.

 Thời gian qua, Nhân dân đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về trách nhiệm đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân tại địa phương, được thể hiện qua nhiều kết quả nổi bật. Như công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm Hậu Giang đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao và 100% thanh niên đều viết đơn tình nguyện; công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt tỷ lệ 97,87%, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,75% so dân số, các lực lượng này tham gia huấn luyện hàng năm đạt từ 98,06% trở lên; lực lượng vũ trang địa phương các cấp hàng năm đều được Nhân dân giúp đỡ cho mượn đất để xây dựng thao trường huấn luyện, diễn tập có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ.

Bên cạnh đó, bà con cũng tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện tốt các phong trào hành động, cuộc vận động của địa phương trong việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy tốt tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm…

Thật sự trách nhiệm, nghĩa vụ của dân tham gia đóng góp là rất quan trọng đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân tỉnh nhà thời gian qua.

Theo ông, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn này của tỉnh còn gặp hạn chế nào ?

- Giai đoạn 2009-2019, công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số hạn chế về công tác tuyên truyền xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nội dung thông tin trong chương trình quốc phòng toàn dân chưa phong phú; lượng thông tin về hoạt động quân sự trên các báo, đài còn ít.

Trong khi đó, trách nhiệm của một số cán bộ và Nhân dân đối với công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân chưa tốt; tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa cao; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền của một số ngành có mặt chưa chặt chẽ.

Người dân cần làm gì để góp  phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân thêm vững mạnh trong tình hình mới ?

- Theo tôi, bà con cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngày càng nhận thức đầy đủ hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đất nước, tỉnh nhà, trong đó có những nội dung về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Từ đó, thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ của mình.

Phải tích cực tham gia các phong trào hành động, các cuộc vận động do chính quyền địa phương phát động. Như thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chính sách dân tộc, tôn giáo; tham gia đấu tranh tố giác tội phạm và nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Đồng thời, chấp hành nghiêm công tác quy hoạch xây dựng của chính quyền địa phương, nhất là đối với xây dựng cơ quan quân sự các cấp, công trình phục vụ cho quốc phòng và tạo điều kiện giúp đỡ để lực lượng vũ trang toàn tỉnh thực hiện tốt các hoạt động quân sự tại địa phương, trong đó có chuẩn bị thao trường huấn luyện và diễn tập có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ.

Còn đối với các cơ quan, ngành chức năng và địa phương cần làm gì để nền quốc phòng toàn dân tới đây ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển ?

- Trước hết, phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể và lực lượng liên quan phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Cần tập trung chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức đảng, chính quyền các cấp vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác quốc phòng - an ninh ở địa phương, cơ sở.

Tăng cường giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Tích cực khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; khắc phục những nhận thức lệch lạc, tư duy kinh tế đơn thuần dẫn tới thiếu quan tâm đến công tác quốc phòng. Các cấp, các ngành theo từng chức năng, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng; kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ, lòng tin của Nhân dân đối cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Để thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình, cơ quan quân sự địa phương các cấp phải nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương xử trí tốt các tình huống xảy ra trên địa bàn. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, đồng bào trong các tôn giáo và học sinh, sinh viên. Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, chương trình và hình thức, biện pháp tổ chức, đồng thời tích cực mở rộng đối tượng giáo dục phù hợp với đặc điểm địa bàn, cơ quan, tổ chức.

Xin cảm ơn ông !

NHẬT TÂN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>