Cuộc bầu cử siêu phức tạp của Indonesia

16/04/2019 | 14:54 GMT+7

Ông Arif Nurul Imam, nhà phân tích chính trị hiện làm việc ở Jakarta, gửi Tuổi Trẻ bài viết về cuộc “siêu bầu cử” ở Indonesia với 193 triệu cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu trong ngày 17-4.

Một nhân viên chuẩn bị thùng bỏ phiếu trước khi đưa chúng đến các địa điểm bỏ phiếu ở Jakarta ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngày mai 17-4 sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên mà theo đó bầu cử tổng thống và quốc hội (tên chính thức: Hội nghị Hiệp thương nhân dân, MPR) của Indonesia được tổ chức đồng thời cùng một lúc.

Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Mỹ. Là một quốc gia dân chủ, bầu cử vốn là nghi thức dân chủ và là thủ tục bắt buộc thường được tổ chức 5 năm một lần.

Xấp xỉ 193 triệu cử tri sẽ đi thực hiện quyền công dân của họ tại 805.000 điểm bỏ phiếu. Có hàng chục triệu người tham gia ngày trọng đại này, gồm cả các nhà tổ chức và giám sát từ cấp trung ương cho tới địa phương.

Phức tạp nhất thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử của nền dân chủ Indonesia, các công dân sẽ đi bầu các vị trí tổng thống và phó tổng thống cũng như lựa chọn thành viên các cơ quan lập pháp cấp địa phương và trung ương trong cùng một ngày.

Do đó, mỗi cử tri sẽ được phát 5 lá phiếu với màu sắc khác nhau để bỏ phiếu cho 6 vị trí. Lá phiếu màu vàng dành cho hội đồng đại biểu nhân dân (hạ viện), trong khi lá phiếu màu đỏ dành cho hội đồng đại biểu khu vực (thượng viện), còn lá phiếu màu xanh lam và xanh lá cây lần lượt bỏ cho hội đồng đại biểu nhân dân cấp tỉnh và hội đồng đại biểu nhân dân cấp huyện.

Lá phiếu cuối cùng màu xám, dành cho cả vị trí tổng thống và phó tổng thống.

Vì việc lựa chọn người thích hợp cho các chiếc ghế trên được thực hiện đồng thời và số cử tri khổng lồ, nên khả năng nảy sinh nhiều vấn đề từ quá trình bỏ phiếu cho tới giám sát là điều khó tránh khỏi.

Đó là lý do tại sao có thể nói cuộc tổng tuyển cử của Indonesia năm 2019 là cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới. Sự kiện này chắc chắn nhận được sự chú ý của mọi công dân Indonesia và được giới quan sát quốc tế theo dõi.

Tuy nhiên, tính phức tạp này không nhất thiết sẽ trở thành yếu tố đe dọa làm rối loạn cuộc bầu cử. Đó là vì các nhà tổ chức bầu cử và những tổ chức xã hội quan tâm tới các vấn đề dân chủ đã dự đoán trước những vấn đề như vậy khi tiến hành nghiên cứu và mô phỏng quy trình bỏ phiếu.

Cùng 1 ngày nhưng 2 số phận

Dù cuộc bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống được tổ chức cùng lúc, vẫn còn sự khác nhau trên vũ đài chính trị: sự tập trung của cả giới tinh hoa chính trị và người dân đổ dồn vào cuộc bầu cử tổng thống, khiến các vấn đề chính trị xoay quanh cuộc bầu cử các thành viên cơ quan lập pháp chìm nghỉm đi.

Những cuộc bàn luận về chính trị chỉ đề cập tới cuộc đối đầu giữa các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống, với 2 liên danh (tổng thống - phó tổng thống): cặp Joko Widodo - Ma'ruf Amin và cặp Prabowo Subianto - Sandiaga Uno.

Cặp ứng viên Joko Widodo - Ma'ruf Amin, với tầm nhìn "Indonesia maju" (Indonesia tiến lên), đang nhận được sự ủng hộ của liên minh gồm nhiều đảng như Đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDIP), Golkar, PKB, PPP, PKPI, PBB và hai đảng mới là Perindo và PSI.

Trong khi đó, cặp ứng viên Prabowo Subianto - Sandiaga Uno, với tầm nhìn "Indonesia adil makmur" (Indonesia công bằng và thịnh vượng), nhận được sự ủng hộ của các đảng Gerindra, Dân chủ, PAN, PKS và Đảng Lao động.

Vì sự phân cực chính trị như vậy là điều không thể tránh khỏi, cho nên cuộc bầu cử tổng thống trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong các chủ đề tranh luận xuất hiện trên truyền hình, trong các cuộc thảo luận hay trên đường phố.

Hơn nữa, đây như thể một màn tranh đấu lặp lại cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2014, cho nên công chúng đổ dồn sự quan tâm là điều đương nhiên.

Cuộc bầu cử tổng thống hút hết ánh đèn sân khấu đến mức nó trở thành một cuộc thảo luận công khai, cả với giới tinh hoa và các tầng lớp thấp hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận sự háo hức của người dân xứ vạn đảo đối với cuộc bầu cử tổng thống rõ ràng không cân xứng với cuộc bầu chọn các thành viên cơ quan lập pháp.

Thật ra, hiện có tới 16 đảng chính trị đang tham gia tranh cử trên khắp nước này, "giành giật" hơn 20.000 chiếc ghế ở cơ quan lập pháp các cấp.

Trước cuộc đối đầu đầy hứng thú, sôi nổi và ồn ào giữa các ứng viên tổng thống - phó tổng thống, những thứ đáng lẽ nhận được sự chú ý như cuộc tranh luận về tầm nhìn, sứ mệnh của các đảng chính trị và các ứng viên đại biểu quốc hội liên quan tới tương lai đất nước lại gần như biến mất trong các cuộc bàn luận của công chúng.

Kể từ thời kỳ cải cách, Indonesia đạt được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc bầu cử. Dù đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên với việc lựa chọn các vị trí được tổ chức cùng một lúc, chúng tôi vẫn lạc quan rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra an toàn và suôn sẻ.

Ngày hội của cả nước

Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 của Indonesia, quốc gia với 17.000 đảo lớn nhỏ, được giới chuyên gia nhận định là cuộc bầu cử trong 1 ngày lớn nhất và phức tạp nhất thế giới.

Cuộc bầu cử ở Ấn Độ sắp tới mang những con số lớn hơn nhiều so với sự kiện ở Indonesia, điển hình là số cử tri, nhưng lại diễn ra trong khoảng thời gian không quá áp lực: 6 tuần.

Tất cả công dân Indonesia từ 17 tuổi trở lên, sở hữu thẻ nhận dạng điện tử e-KTP, sẽ được quyền đi bầu. Một số trường hợp tuổi thấp hơn vẫn được phép đi bầu nếu đã kết hôn.

Đối với các khu vực xa xôi, phiếu bầu sẽ được đưa tới tận nơi bằng máy bay, canô và thậm chí tàu chiến, theo báo Guardian.

Theo ARIF NURUL IMAM - BÌNH AN chuyển ngữ/tuoitre.vn

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>