Những chiến đấu cơ tàng hình nổi tiếng nhất thế giới

09/01/2018 | 14:04 GMT+7

Ngày nay, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản tự hào về sự hiện diện của các tổ hợp hàng không chiến đấu được ứng dụng công nghệ tàng hình trong kho vũ khí của mình. Trong bài viết mới đây, Hãng thông tấn TASS đưa ra bảng danh sách các máy bay sở hữu công nghệ tàng hình “Stealth” được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Công nghệ tàng hình “Stealth” là một trong những yếu tố bắt buộc của máy bay thế hệ thứ năm. Bản chất của công nghệ tàng hình là làm giảm khả năng hiển thị trong phạm vi radar và hồng ngoại. Để đạt được hiệu quả như vậy chủ yếu nhờ vào lớp sơn phủ ngoài đặc biệt, hình dáng cũng như vật liệu chế tạo ra máy bay.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm sử dụng công nghệ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: TASS

Cái tên đầu tiên được TASS nhắc đến là B-2A Spirit (Bóng ma)-máy bay đắt giá nhất trong kho vũ khí của không quân Mỹ. Theo số liệu năm 1998, 1 chiếc máy bay ném bom chiến lược tàng hình hạng nặng B-2 Spirit có giá 1,16 tỷ USD. Chuyến bay chính thức đầu tiên của B-2 diễn ra vào năm 1989. Một điểm khá thú vị về phi đội B-2 Spirit là mỗi chiếc được đặt theo tên các bang của Mỹ. Khả năng tàng hình của B-2 có được nhờ sự phối hợp giữa việc giảm tối đa tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và radar phát ra, khiến đối phương rất khó phát hiện, theo dõi và tiêu diệt. Các vật liệu chế tạo, lớp sơn phủ ngoài và thiết kế cánh bay cũng góp phần tăng khả năng tàng hình của nó.

Máy bay tấn công chiến thuật tàng hình Lockheed F-117 Night Hawk (Chim ưng đêm) của Mỹ đứng vị trí thứ hai trong bảng danh sách do TASS công bố. F-117 Night Hawk được thiết kế để xâm nhập sâu vào hệ thống phòng không của đối phương và tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng trên mặt đất. Tổng cộng có 64 chiếc được sản xuất, chiếc cuối cùng được cấp cho không quân Mỹ vào năm 1990. Mỹ đã dành 6 tỷ USD để phát triển và sản xuất loại máy bay tàng hình này. Việc giảm khả năng hiển thị của chiếc F-117 chủ yếu đạt được nhờ hình dạng đặc biệt của thân máy bay cũng như vật liệu composite và lớp sơn phủ ngoài đặc biệt.

Đứng vị trí thứ ba trong bảng danh sách của TASS là Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt)-máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên trên thế giới. Giới chuyên môn coi F-22 Raptor là “kỳ quan” quốc phòng của Mỹ do những công nghệ chiến đấu vượt trội so với các loại máy bay chiến đấu khác. Vì vậy, Washington cấm xuất khẩu F-22 và công nghệ chế tạo loại máy bay này ra nước ngoài, bao gồm cả các đồng minh thân thiết nhất. Nó chỉ hoạt động trong biên chế không quân Mỹ. Là máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm thế hệ thứ 5 đầu tiên, F-22 Raptor có khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chiến tranh điện tử và chiếm ưu thế trên không.

Cái tên thứ tư được TASS đưa ra là F-35 Lightning II “Tia chớp II”. F-35 Lightning II là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và thực hiện nhiều nhiệm vụ như yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. F-35 được trang bị hệ thống "làm mù" radar cực kỳ tối tân, khiến nó có khả năng tàng hình chưa từng có. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phương Tây, F-35 có khả năng tàng hình kém hơn F-22 và dễ bị phát hiện bởi các hệ thống radar hoạt động ở tần số siêu cao.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: TASS

Giữ vị trí thứ năm trong bảng danh sách của TASS là tiêm kích tàng hình Su-57, ban đầu được gọi là PAK FA T-50. Su-57 được thiết kế để chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công các mục tiêu dưới mặt đất một cách linh hoạt. Điểm đặc biệt của Su-57 là việc trang bị hệ thống radar hỗn hợp mảng pha chủ động ở phần mũi và trên cánh máy bay. Kết hợp với hệ thống điện tử trên khoang hiện đại, Su-57 có góc quét radar rộng và khả năng định vị các mục tiêu bay cỡ nhỏ, cũng như áp dụng công nghệ tàng hình.

Máy bay thế hệ thứ năm Chengdu (Thành Đô) J-20 của Trung Quốc chiếm vị trí thứ sáu trong bảng danh sách của TASS. Chengdu J-20 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô nghiên cứu, sản xuất cho không quân Trung Quốc với hy vọng thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự với Mỹ. Chengdu J-20 được người Trung Quốc ưu ái gọi với cái tên “Mighty Dragon” nghĩa là “Con rồng hùng mạnh”. Xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 11-2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ.

Cái tên cuối cùng trong bảng danh sách những máy bay tàng hình nổi tiếng nhất thế giới do TASS đưa ra là Mitsubishi ATD-X Shinshin - nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ năm sử dụng công nghệ tàng hình của Nhật Bản. Mitsubishi ATD-X Shinshin được thiết kế bởi Viện Thiết kế kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản và được chế tạo tại Tập đoàn Mitsubishi. “Shinshin” trong tiếng Nhật có nghĩa là “linh hồn của trái tim” (Spirit of the heart). Mitsubishi ATD-X Shinshin rất giống với tiêm kích đa nhiệm Saab Gripen của Thụy Điển về kích cỡ và F-22 của Mỹ về hình dạng. Mỗi chiếc ATD-X có giá khoảng 324 triệu USD./.

Theo LÂM ANH/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>