Những “cuộc chiến” trục xuất nhà ngoại giao giữa Nga và Mỹ

03/04/2018 | 09:59 GMT+7

Nga với Mỹ và phương Tây đang trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất kể từ khi "Chiến tranh lạnh" kết thúc liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury, Anh.

Trước đó, nhiều vụ trục xuất “ăn miếng trả miếng” đã từng xảy ra khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ luôn trong bờ vực căng thẳng. Điều đáng nói là các vụ trục xuất này đều liên quan tới các điệp viên.

Tháng 8-1986, Mỹ đã bắt giữ Gennadi F.Zakharov, một nhà vật lý Liên Xô từng là nhân viên của Liên hợp quốc, vì các tội danh gián điệp. Một tuần sau đó, Nicholas S.Daniloff, phóng viên của Báo Tin tức và Thế giới của Mỹ, đã bị bắt ở Moscow cũng vì tội gián điệp. Vụ bắt giữ này đã khơi ngòi cho một đợt trục xuất lớn giữa Nga và Mỹ. Tháng 11-1986, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra lệnh trục xuất 55 nhà ngoại giao Liên Xô. Tương tự, Moscow cũng yêu cầu 260 nhân viên tòa đại sứ Mỹ ở Moscow ngừng làm việc. Bộ Ngoại giao Nga khi đó nhấn mạnh, nếu Mỹ phản ứng với các biện pháp này bằng bất kỳ hình thức trục xuất nào nữa, Nga cũng sẽ đáp trả tương tự.

Điệp viên CIA Ryan C.Fogle bị nhà chức trách Nga bắt giữ và trục xuất năm 2013. Ảnh: Reuters

Quan hệ Washington-Moscow tiếp tục gặp sóng gió vào tháng 3-2001 khi Mỹ trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga liên quan tới vụ bắt giữ điệp viên Robert P.Hanssen. Là một nhân viên phản gián của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Hanssen bị tố cáo bán các bí mật cho Moscow từ năm 1985, với giá 1,4 triệu USD dưới dạng tiền mặt và kim cương. Số tiền này được gửi vào tài khoản tại một ngân hàng của Nga. Robert P.Hanssen bị bắt ngày 18-2-2001, vài năm sau khi nghỉ hưu. Bản cáo trạng quy kết ông Hanssen đã tiết lộ bí mật cho Nga về các vệ tinh, hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống phòng thủ hoặc trả đũa những cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn, các thiết bị viễn thông tình báo và chiến lược phòng thủ của Mỹ.

Sau khi Mỹ trục xuất 50 nhà ngoại giao, Nga cũng đáp trả lại bằng việc trục xuất một số nhà ngoại giao của Mỹ.

Cuộc chiến trục xuất nhà ngoại giao một lần nữa lại xảy ra vào năm 2010. Tòa án Mỹ ra lệnh trục xuất Alexey Karetnikov, điệp viên 23 tuổi người Nga làm việc tại bộ phận thử nghiệm mã lập trình tại cơ sở của Microsoft ở Richmond. FBI cho biết, Alexey Karetnikov bị đặt dưới sự theo dõi đặc biệt ngay từ khi thanh niên Nga này đặt chân xuống lãnh thổ Mỹ. Tại Seattle, Alexey Karetnikov làm công việc kiểm tra sản phẩm của Microsoft. Karetnikov thuê nhà ở thị trấn Redmond, vùng ngoại ô phía đông thành phố Seattle, bang Washington. Karetnikov bị trục xuất vì đã vi phạm luật nhập cư của Mỹ.

Quyết định trục xuất Karetnikov diễn ra sau khi Nga và Mỹ tiến hành vụ trao đổi gián điệp lớn nhất kể từ thời "Chiến tranh lạnh". Mỹ đã trục xuất 10 nghi phạm điệp viên Nga để đổi lấy tự do cho 4 người Nga bị ngồi tù vì tội làm gián điệp cho phương Tây.

Ngày 14-5-2013, chính quyền Nga đã chính thức ra lệnh trục xuất Ryan C.Fogle, một điệp viên CIA bị giới chức nước này bắt giữ trong lúc đang tìm cách tuyển mộ một nhân viên chống khủng bố Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác định Ryan C.Fogle là một điệp viên của CIA làm việc dưới vỏ bọc nhân viên sứ quán Mỹ. Khi bị bắt, người này mang theo một lượng lớn tiền mặt, dụng cụ hóa trang, dao, thẻ nhân viên Đại sứ quán Mỹ, một bức thư tuyển mộ hứa hẹn trả thù lao hàng triệu USD để đổi lại việc “hợp tác lâu dài” cùng nhiều thiết bị khác. FSB khẳng định Fogle đang tìm cách lôi kéo một nhân viên lực lượng chống khủng bố của Nga phụ trách khu vực đầy bất ổn Caucasus.

Những vụ trục xuất liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây. Chỉ trong năm 2016 đã xảy ra hai vụ Mỹ trục xuất nhà ngoại giao Nga. Điển hình là vào ngày 29-12-2016, Mỹ ra quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng cửa hai cơ sở của Nga tại New York và Marilena nhằm đáp trả việc các nhà ngoại giao Mỹ bị xâm phạm ở Mosow và việc Nga "can thiệp" vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nga đã phản ứng khá mạnh trước đó và cảnh báo có thể sẽ đáp trả đối với các nhà ngoại giao Mỹ.

Tháng 7-2017, Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm hàng trăm nhân viên ngoại giao và tuyên bố sẽ tịch thu hai cơ sở ngoại giao của Mỹ sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ phê chuẩn các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga. Theo AP, hiện phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Nga gồm khoảng 1.200 người. Việc cắt giảm 755 nhân viên nhằm đưa phái đoàn ngoại giao Mỹ về 455 người, bằng số lượng nhà ngoại giao Nga ở Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống V.Putin đã trì hoãn động thái này với hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo BÌNH NGUYÊN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>