Tăng chi phí quốc phòng - cuộc chạy đua không hồi kết

07/11/2018 | 10:05 GMT+7

Để có quân đội quy mô và hiện đại, nhiều quốc gia trên thế giới đang mở rộng hầu bao chi bộn. Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng đang trở thành một xu hướng trên khắp thế giới hiện nay phụ thuộc vào tiềm lực và thách thức an ninh mỗi quốc gia đang phải đối mặt.

Ở nhiều quốc gia, ngân sách quốc phòng thậm chí còn cao hơn chi phí dành cho an sinh xã hội. Hàng tỷ USD đang được đổ vào “cuộc chạy đua” không sinh lời và không có hồi kết.

Theo con số thống kê mới nhất, chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2017 tiếp tục đà tăng nhiều năm qua. Tổng chi tiêu quốc phòng toàn thế giới chạm mốc 1.799 tỷ USD, con số kỷ lục kể từ thời chiến tranh Lạnh. Dẫn đầu cuộc đua tiếp tục là Mỹ với ngân sách quốc phòng khổng lồ kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Trong giai đoạn 2002-2017, Mỹ đã chi trung bình 16% ngân sách quốc gia hằng năm, tương đương 2.800 tỷ USD cho quốc phòng, đặc biệt là cho hoạt động chống khủng bố trên toàn cầu. Ngân sách quốc phòng của Mỹ hằng năm tương đương khoảng 50% chi phí quốc phòng toàn cầu.

Với chiến lược “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia đồng minh trong NATO tăng chi phí quốc phòng từ mức 2% GDP lên 4%. Washington lấy lý do NATO đang lệ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Trong khi Mỹ liên tục tăng ngân sách quốc phòng, thì nhiều quốc gia NATO lại trên đà giảm. Trong năm 2017, chi phí của toàn bộ 29 quốc gia NATO đạt 946 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 2/3. Đây là con số khiến Washington không mấy hài lòng.

Châu Âu tiếp tục giảm chi tiêu quốc phòng

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, từ cuối những năm 1980, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên bình quân GDP của NATO, trừ Mỹ có xu hướng giảm. Trong số các quốc gia G7, mốc chi tiêu quốc phòng chiếm 3% GDP năm 1988 đã giảm xuống 1,8% năm 2017. Việc giảm chi tiêu quốc phòng đồng nghĩa với việc giảm sức mạnh và các hoạt động quân sự. Điều này làm Mỹ với vai trò lãnh đạo của NATO không mấy thoải mái, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng do cuộc chiến chống khủng bố và Washington rút khỏi một loạt hiệp ước khung đảm bảo an ninh với Nga.

 

Dù Mỹ gây sức ép, châu Âu vẫn đang đà giảm chi tiêu quốc phòng hằng năm.

Trong tuyên bố mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Mỹ đã ra lời kêu gọi các quốc gia NATO cần tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng so với hiện nay hoặc chí ít vượt qua mốc 2% GDP vào năm 2024. Để so sánh, chi phí quốc phòng trung bình trên thế giới trong vài năm tới tương ứng khoảng 2,2% GDP.

Nếu tính theo mốc trên, trong năm 2017, trong số các quốc gia thuộc G7 chỉ có Pháp có ngân sách quốc phòng đạt 2,3% GDP, tương ứng 57,8 tỷ USD. Tiếp theo là Anh – 1,8%, 47,2 tỷ USD; Đức – 1,2%, 44,3 tỷ USD; Nhật Bản – 1% GDP, 45,4 tỷ USD. Hai quốc gia G7 khác không nằm trong Top 10 quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới khác là Italia và Canada với 29,2 và 20,6 tỷ USD.

Nếu tính tỷ lệ chi phí quốc phòng/GDP, dù trong xu hướng cắt giảm, các quốc gia phát triển thuộc G7 vẫn chiếm 47% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Mỹ đang tiếp tục gây sức ép để tăng con số này lên. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, để giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO, cũng như sức ép tăng ngân sách quốc phòng từ Mỹ, Đức và Pháp đã đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh của riêng châu Âu. Ngoài ra, châu Âu cũng đang bằng nhiều cách khác nhau “phớt lờ” yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng từ Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Sự vươn lên của các quốc gia đang phát triển

Trong hơn một thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng của hai khu vực châu Phi và Nam Mỹ có mức tăng trưởng rõ rệt. Tính từ năm 2008 tới nay, trung bình các quốc gia Nam Mỹ chi tới 17% GDP cho quốc phòng, còn châu Phi là 28%. Xu hướng này được giải thích là nhờ sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và vai trò quan trọng của quân đội trong nền chính trị nội địa.

 

Dù quy mô nền kinh tế nhỏ, nhưng chi tiêu quốc phòng của châu Phi và Nam Mỹ vẫn tăng mạnh.

Nổi bật nhất trong khu vực Nam Mỹ là Brazil với mức chi tiêu quốc phòng trung bình hằng năm đạt 29,3 tỷ USD và con số này được duy trì hơn 10 năm qua.

Nếu tính ở quy mô toàn thế giới, năm 2017, chi phí quốc phòng của châu Phi và Nam Mỹ chỉ chiếm 16% toàn cầu, thấp hơn so với 16,3% của châu Âu. Tuy nhiên, nếu xét ở tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/GDP, các quốc gia Nam Mỹ và châu Phi lại có tỷ lệ vượt trội.

“Điểm nóng” châu Á

Trong Top 10 quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới năm 2017, châu Á chiếm tới 6 vị trí. Cụ thể, Trung Quốc giữ vị trí số 2, Saudi Arabia – 3, Ấn Độ - 5, Nhật Bản – 8 và Hàn Quốc – 10.

Với con số công bố chỉ 175 tỷ USD, nhưng nhiều chỉ số chứng tỏ, Trung Quốc trong năm 2017 phải chi tới 228 tỷ USD cho quốc phòng. Trong vài năm qua, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng và có quân đội quy mô hàng đầu châu Á.

 

Châu Á tiếp tục làm đầu tàu trong xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng.

Bên cạnh Trung Quốc, Saudi Arabia cũng nổi bật với mức chi tiêu cho quốc phòng chiếm tới 10% GDP. Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, chi tiêu quốc phòng của Saudi Arabia phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới. Ngân sách quốc phòng của quốc gia Cận Đông này từng phải cắt giảm từ mức 90 xuống 63 tỷ USD. Phần lớn các quốc gia Cận Đông và Nam Á đều có tỷ lệ chi tiêu quốc phòng cao như: Oman – 12,1%, Iraq – 10,1% và Afghanistan – 10,3%.

Tại châu Á, Ấn Độ cũng là quốc gia chi mạnh cho quốc phòng. Trong năm 2017, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đạt 66,3%, tương đương 5,5% GDP.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, chi tiêu quốc phòng chỉ là một yếu tố đánh giá tiềm lực quân sự của mỗi quốc gia. Sức mạnh quân sự của quốc gia không chỉ phụ thuộc vào việc nước đó phân bổ hằng năm bao nhiêu cho quốc phòng, mà còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất quốc phòng nội địa và xu hướng phát triển quân đội. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, tăng ngân sách quốc phòng vẫn là xu hướng chung trên toàn cầu trong các năm tới.

Theo TUẤN SƠN (tổng hợp)/qdnd.vn

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>