Can đảm thời chiến, cống hiến thời bình...

24/10/2022 | 09:59 GMT+7

Ở ấp 9A1, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, có một người phụ nữ đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn ngày ngày cần mẫn lao động, với những dự định ấp ủ vì mọi người xung quanh. Người phụ nữ ấy cũng từng có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, cống hiến thanh xuân cho cách mạng không chút đắn đo...

Ở tuổi 73, bà Cúc vẫn chăm chỉ lao động để tạo ra thu nhập từ việc đan đát, mong muốn có mô hình khởi nghiệp để góp sức ủng hộ bà con khó khăn.

Mong ước khởi nghiệp cùng bà con nghèo ở tuổi 73

Đó là bà Đỗ Thị Cúc, 73 tuổi. Đến thăm nhà bà, ai cũng trầm trồ trước những chiếc giỏ được đan thủ công bằng dây nhựa do chính tay bà làm ra. Năm 2017, địa phương mở lớp dạy đan đát cho lao động nông thôn, bà Cúc đăng ký đi học và mua dây về đan tại nhà. Hơn 4 năm nay, bà gắn bó với công việc này hiện chưa có ý định dừng lại. Mỗi tháng, bà Cúc có thể đan được hơn 100 cái giỏ nhựa các loại, với thu nhập hơn 3 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, bà Cúc còn ấp ủ dự định khởi nghiệp từ những chiếc giỏ nhựa này. Bà cho biết: “Hồi trước, ở đây người dân theo nghề đan giỏ này nhiều lắm, nhưng do không có đầu ra, nên người ta bỏ hết không làm nữa. Xung quanh đây còn nhiều hộ nghèo nhưng không có cơ sở để làm. Nếu tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi sẵn sàng đứng ra tập hợp chị em, thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để làm số lượng lớn, tạo ra thu nhập cho bà con tại địa phương”.

Ở tuổi 73, chân đã mỏi, sức đã yếu, câu chuyện khởi nghiệp nghe có vẻ xa vời. Thế nhưng, bà Cúc luôn tìm cách để hiện thực hóa ự định của mình. Bà thường liên hệ, nhờ gia đình, người thân, bạn bè giúp mình giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhiều lần bà còn đích thân đến các chợ gần, chợ xa để chào hàng, tìm đầu ra cho giỏ nhựa của mình. Bà cũng tập hợp được khoảng 10 lao động nông thôn sẵn sàng đan giỏ để cung cấp khi thị trường có nhu cầu. Những việc bà làm không phải chỉ vì bản thân, mà còn là vì những người xung quanh.

Phẩm chất cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn sống vì mọi người của bà Cúc là do được trui rèn từ trong chiến tranh và thử thách qua biết bao gian lao, vất vả.

Nhớ những ngày làm giao liên năm ấy...

Bà Cúc quê gốc ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Năm 15 tuổi, bà Cúc từ giã gia đình, bước vào con đường cách mạng. Bà nhớ mãi đó ngày 22-12-1964, ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ban đầu, bà hoạt động địa phương quân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, bà được cử đi học ở Trường Quân chính và ở lại công tác với vai trò giao liên, phụ trách tiếp nhận các bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đến trường học tập.

Dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng trong quá trình công tác, Bà Cúc cũng gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. “Nhớ nhất là cái lần ở xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), hồi đó u bích, pháo bắn dữ lắm, bắn ngày bắn đêm. Bữa đó khoảng 3 giờ chiều, thấy máy bay “đầm già” đảo, tôi kêu các em ra công sự nấp trước, còn tôi ở lại dọn dẹp đồ đạc. Ai ngờ địch rải bom, tôi bị thương nặng, đồng đội cứ tưởng tôi không qua khỏi,…”, bà Cúc chia sẻ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ ấy, bà Cúc tìm được người bạn đồng hành của đời mình, chồng bà cũng là y sĩ của trường lúc bấy giờ. Cũng có giai đoạn bà Cúc làm công tác phụ nữ ở quê nhà Vĩnh Thuận. Nhưng do cha mẹ chồng già yếu, cảnh nhà neo đơn, bà Cúc chấp nhận lui về phía sau, chăm sóc gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng tiếp tục công tác ở đơn vị. Những ngày đầu về quê chồng ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy Hậu Giang, bà Cúc trở thành lao động chính trong nhà. Một mình gánh trên vai cha mẹ già và đàn con thơ, bà Cúc đã lèo lái gia đình qua giai đoạn khó khăn, thiếu thốn.

Khi cha mẹ chồng và người chồng đã lần lượt qua đời, con cái lớn khôn, có cuộc sống ổn định, tưởng chừng đó là lúc bà Cúc có thể yên tâm nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nhưng bà lại phát hiện mình mắc phải bệnh tiểu đường do di chứng của chất độc da cam. Lúc này, bà Cúc mới nhớ lại thời kháng chiến, khi quân và dân gắn bó, nghĩa tình, hạt gạo sẻ đôi. Bà được ăn những bữa cơm từ gạo mà người dân đem cho đơn vị. Bà Cúc kể: “Mấy lần tôi ăn vào thì thấy có mùi hôi như xăng, tôi nghĩ là do gạo bị ngấm chất hóa học mà địch hay rải. Nhưng lúc đó thiếu thốn, có cơm ăn là may rồi nên mình cứ ăn đại không nghĩ nhiều!”.

Tuy tuổi già, bệnh tật, nhưng bà Cúc luôn phấn đấu không ngừng lao động và ấp ủ nhiều dự định vì cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, nhận xét: “Chị Cúc là một người phụ nữ có những phẩm chất điển hình của phụ nữ Việt Nam, lao động chăm chỉ, sẵn sàng hy sinh và sống vì mọi người. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ, kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm đan đát, giúp chị Cúc từng bước thực hiện mong ước của mình”.

Với một tuổi trẻ hào hùng, tuổi già gương mẫu và một cuộc đời đầy cống hiến, bà Cúc xứng đáng là tấm gương đẹp giữa cộng đồng!

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>