Chữ “nhẫn” ở đời

05/08/2019 | 08:05 GMT+7

Nhẫn năng xử thế thị năng hiền,

Nhẫn năng phu phụ thuận tình duyên

Ông Út Lắm đọc hai câu thơ nói về chữ “nhẫn” ở đời mà ông học lâu nay. Ông sống điềm đạm, đề cao tinh thần vì mọi người. Lão nông này cũng góp phần giữ gìn nét văn hóa đẹp trong cưới hỏi truyền thống.

Ông Út Lắm đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Lài.

Êm ấm trong nhà, nghĩa tình với làng xóm 

Giải thích về hai câu thơ trên, ông Út Lắm (Phan Văn Lắm) chia sẻ: Nếu có nhẫn nhịn, thiên hạ mới biết mình hiền dữ, đó là chuyện đối đãi ở đời. Còn với tình nghĩa vợ chồng, có nhẫn nhịn tình duyên mới tròn, mới đẹp. Vợ chồng ông có tất cả 4 người con đều đã riêng tư, ông mừng vì trên dưới êm ấm, thuận hòa. Vợ chồng ông, đã bước qua tuổi 60, nhưng trong nhà, ngoài cửa đầm ấm. Ông hay đi từ thiện trong, ngoài tỉnh, có khi vắng nhà vài ngày, vợ ông biết tính của chồng, nên ủng hộ, quán xuyến chuyện nhà cho ông thoải mái đi làm việc nghĩa.

Mỗi khi ấp có cần hòa giải mời, ông theo chữ “nhẫn” mà giảng giải, chia sẻ với các bên, để mọi người bình tâm suy nghĩ lại. “Có những vụ tranh chấp anh em, họ hàng trong gia tộc, khi chuẩn bị gửi đơn thưa lên cấp trên, hai gia đình có gặp tôi. Tôi cũng đã phân tích những thiệt hơn, trên dưới, trước sau, đề cao tính nhẫn nhịn, nói rõ những hậu quả có thể xảy ra khi hai bên thiếu sự bình tĩnh. Nói thì gọn vậy, chứ cũng dài dòng lắm. Cuối cùng họ rút đơn, hai bên ngồi lại nói chuyện để giải quyết thật êm đẹp. Chuyện này là minh chứng cho chữ “Nhẫn” đã đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống”, ông đúc kết.

Ở ấp Ba Ngàn A nói riêng và xã Đại Thành nói chung, nhiều người biết đến ông vì chí thú làm ăn, đặc biệt là hay giúp những người nghèo khó. Bà Nguyễn Thị Lài, 87 tuổi, ở gần nhà ông Út Lắm, chia sẻ: “Chú Út Lắm hay sang đây thăm hỏi, có gạo thóc, quà cáp gì cũng giúp đỡ, tôi quý chú lắm. Ở vòng vòng ấp, chú giúp mọi người nhiều lắm. Khi thì đi là trưởng tộc đám cưới gả, lúc vận động quà cho mọi người, nhà ai có việc hiếu gì nghèo quá chú cũng có mặt giúp. Tấm lòng thật tốt biết bao nhiêu”.

Nhìn đôi bàn tay chai sần, mủ, nhựa cây trái phủ đen các đầu ngón tay, đôi chân cũng nứt nẻ vì gần như ông ở suốt ngoài vườn khi không có những chuyến đi từ thiện, mới thấy quý tấm lòng ông. Cuộc sống người đàn ông này thật dung dị, cần mẫn, nhưng đã nói là làm, nói được làm được. Thời điểm này, ông Út Lắm bận rộn liên hệ những mạnh thường quân xin quà, bánh để tặng các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Trung thu sắp tới.

Người góp phần giữ nét văn hóa cổ truyền

Ông còn là người góp phần giữ gìn nét văn hóa cưới xin. Ông kể, nhờ có khiếu, ông hay được mời đi làm trưởng tộc (những người đại diện họ nhà trai hoặc gái điều hành các phần lễ trong đám tiệc), từ khi chưa lập gia đình. “Hồi đó, lúc cỡ 30-40 tuổi, mấy tháng cưới gả nhiều, có tháng tôi đi làm cho cả chục đám cưới gả. Bây giờ, mình có những việc riêng, với lại lớn rồi, mỗi tháng đi làm giùm 1-2 đám”.

Ông làm vì muốn cho những đám cưới, đám gả ở quê còn biết lễ nghi, biết giữ nét truyền thống tốt đẹp trong cưới hỏi của dân tộc Việt Nam. “Tôi làm mấy mươi năm nay, bản thân mình thấy những lễ trong đám tiệc là cần thiết, để tạo sự gắn kết, cho cô dâu, chú rễ hiểu bổn phận làm dâu, làm rễ, để có định hướng sống cho nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc khi đã kết hôn”.

Rồi ông nói thử một đoạn cho chúng tôi nghe khi đi làm trưởng tộc: “Kính thưa gia đình, quan viên hai họ. Hôm nay, được sự cho phép của gia đình, chúng tôi họ nhà trai đến đây để làm lễ Đăng khoa. Xin trình lễ nhập gia vào ngày tốt hôm nay đến quý gia đình nhà gái và quan viên hai họ có mặt tại ngày vui này…”. Rồi sau đó làm 6 lễ: Trình phẩm vật; Thượng đăng bái đường; Bái tập, lạy họ; Ra mắt ông bà hiện tiền; Trao hoa, tặng quà cô dâu; Trình lễ, lời cảm tạ…

Xét ở góc độ văn hóa, những người hiểu và làm được những bước như thế này tại một đám cưới, đám gả chính là người góp phần giữ gìn những nét riêng trong đám cưới gả truyền thống. Biết tiếng ông, xa gần nhiều người mời, có đám ở tận xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cũng đến rước. Đi làm trưởng tộc, ông không hề lấy tiền bồi dưỡng của gia chủ. Ông Nguyễn Văn Chúc, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, cho biết: “Tôi cũng mời anh Út Lắm về đây điều hành phần lễ khi về nhà gái và lúc ra mắt hai họ bên nhà trai tôi đây. Ảnh làm bài bản, nhưng gọn gàng, nhanh chóng, không có rườm rà. Lúc ảnh nói, ảnh còn thêm vào những câu nói hay tiền nhân, dạy cách làm con, làm dâu, làm rể này kia. Có ảnh làm mấy đám này suôn sẻ, bảnh dữ lắm”.

Là người theo đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, nên ông sống đơn giản, chân thành. Ông luôn tâm niệm theo đạo là giúp đời, ông không bao giờ suy nghĩ giữa đạo và đời phải có khoảng cách, mà phải gần gũi, đạo giúp đời đẹp hơn, tốt hơn. Trong khả năng của mình, ông sẵn sàng giúp đời. Ông từng đứng ra mời đoàn y, bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây khám bệnh miễn phí cho 160 người cao tuổi, tặng hàng trăm phần quà cho người dân đi khám bệnh. Nhà ai có việc hiếu mà hoàn cảnh quá khó khăn, ông vận động gạo đến biếu. Còn nếu đặc biệt nghèo, ông đi vận động cả hòm cho gia đình lo hậu sự…

Với những đóng góp vì cộng đồng, sống vì mọi người, cùng những hoạt động tiêu biểu khác, ông được Thị ủy Ngã Bảy khen thưởng qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tấm lòng tốt của ông được nhiều mạnh thường quân xa gần ghi nhận và giữ liên lạc, khi nào có những trường hợp cần giúp là họ thông qua ông Út Lắm để gửi tiền, quà. “Dù tôi được các anh ở xã, ấp khuyến khích làm một chức gì đó tại ấp, không phải mình chê chức lớn hay nhỏ mà không nhận lời, vì mình có chuyện nhà, chuyện từ thiện, nên thấy không thể theo kế hoạch bên các ấp được, đành từ chối. Nếu có việc mà mình làm không tốt, khi giữ chức sẽ áy náy lắm, tâm tư không yên đâu”, ông Út Lắm bộc bạch.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>