Đóa hoa thời chiến ngát hương thời bình

05/09/2022 | 07:41 GMT+7

Là nữ cựu thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Thu, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, phải chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nhưng vượt qua tất cả, bà Thu vẫn quyết tâm vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Khi khá, bà lại giúp đỡ những người xung quanh.

Bà Thu (giữa) chia sẻ những câu chuyện thời chiến cho các nữ cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy.

Đóa hoa thời chiến

Bà Thu sinh năm 1952, là người con gái của vùng đất Vị Thủy. Năm 1968, khi mới 16 tuổi, bà Thu tình nguyện đăng ký tham gia cách mạng, trở thành một nữ thanh niên xung phong. Cùng đồng đội, bà Thu từng có mặt ở nhiều trận địa của Quân khu 9 như thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A; huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ),… Đặc biệt là trận địa Lộ Vòng Cung, một “vành đai lửa” của miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ.

Trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, không ít lần bà Thu phải đối mặt với hiểm nguy, cận kề cái chết. Bà nhớ mãi những đợt bị bắn pháo, bà và đồng đội phải chui vô hầm để trú ẩn, mất hết đồ đạc, quần áo. Nhiều lúc đói khát, bà cùng đồng đội phải chia nhau trái bình bát, trái chuối để no lòng, khi khát thì uống cả nước đìa,… Có người đồng đội vừa hành quân cùng bà hôm trước, hôm sau đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Ngay cả bản thân bà nhiều lúc cũng thầm nghĩ, không biết mình còn có thể sống cho tới lúc hòa bình hay không?

Chiến tranh đã rèn cho bà Thu ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quê hương. Rồi sau 7 năm xông pha ở chiến trường, bà Thu cũng đợi được đến ngày toàn thắng. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Thu trở về địa phương, tiếp tục tham gia các công tác như phụ nữ, dân y… Dù ở vị trí nào, nữ cựu thanh niên xung phong này cũng nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần dựng xây lại quê hương sau những năm tháng bị tàn phá bởi chiến tranh.

Một thời máu lửa đã mang đến cho bà nhiều chiến công và những kỷ niệm đẹp, nhưng cũng để lại một di chứng khá nặng nề, đó là chất độc da cam. Bà Thu nhớ lại: “Đợt đó, tôi đang đi hành quân thì máy bay địch phun chất độc da cam xuống. Hồi đó, đâu ai biết chất độc da cam là gì, chỉ thấy người mình ươn ướt như bị mắc sương, ngửi mùi thì hôi hôi. Nhưng đang trên đường hành quân nên đâu có tắm rửa gì được ngay, phải đợi đến nơi mới tắm. Chắc vậy mà chất độc nó ngấm hết vào cơ thể”.

Giờ đây, ở tuổi 70, bà Thu đang mang trong mình chất độc màu da cam, với nhiều hệ lụy về sức khỏe. Nhưng vượt qua tất cả, bà Thu vẫn hết lòng cống hiến cho cuộc đời.

Ngát hương thời bình

Nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thu đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của các hội, đoàn thể địa phương trong công tác vận động, quyên góp để chăm lo cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Đến nhà bà Thu, ai cũng ngưỡng mộ cuộc sống đủ đầy, sung túc và bình yên của gia đình. Nhưng ít ai biết được, để có cuộc sống như ngày hôm nay, bà Thu và gia đình đã phải trải qua nhiều khó khăn, túng thiếu.

Năm 1969, bà Thu kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Sơn, là người cũng tham gia hoạt động tại địa phương. Những năm kháng chiến, hai vợ chồng đều mải mê việc nước nên cũng chưa thể trọn việc nhà. Ngày hòa bình, kinh tế gia đình bà Thu rơi vào khó khăn, túng thiếu. Hai vợ chồng bà có đến 6 người con nên phải chạy ăn từng bữa. “Hồi đó nhiều lúc gạo còn không có để ăn. Con đông, mỗi bữa lên mâm cơm tôi chỉ dám ăn nửa chén rồi nghỉ. Đứa con gái lớn hỏi sao không ăn nữa, tôi chỉ dám nói mình già rồi, ăn một ít là đủ no, để nhường cho con”, bà Thu kể.

Rồi với sự cần cù, chịu khó làm ăn, cuộc sống gia đình bà Thu ngày càng khởi sắc. Có thời điểm, gia đình bà sở hữu tới 3 cái máy cắt lúa để đi cắt thuê cho bà con nông dân khắp vùng. Sau bao nhiêu gian khổ, con cái bà cũng dần trưởng thành, ai cũng có gia đình riêng, công việc ổn định, nhà cửa khang trang. Việc nhà đã yên, bà Thu lại nghĩ đến cộng đồng, đến những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. “Nhớ lại hồi đó mình khó khăn, mình khổ nên mình hiểu được cái cảnh khổ. Nay mình đỡ rồi thì giúp lại cho người khác”, bà Thu chia sẻ.

Vậy là 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình bà Thu đều quyên góp khoảng 4 tấn gạo cho địa phương và các hội, đoàn thể, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Năm vừa rồi, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình bà đã cho đến 5,5 tấn gạo để giúp đỡ bà con. Riêng với các nạn nhân chất độc da cam như mình, bà Thu cũng dành những sự đồng cảm và sẻ chia thiết thực. Như vào dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8 vừa qua, bà Thu đã ủng hộ 3 triệu đồng cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vị Thủy.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy: “Từ một hộ khó khăn, gia đình bà Thu luôn cố gắng vượt khó, phấn đấu vươn lên để có cuộc sống khá giả như ngày nay. Bây giờ, gia đình đi giúp lại những cảnh đời khó khăn khác, thể hiện tấm lòng tốt, biết cảm thông và chia sẻ với cộng đồng”.

Với những việc làm ý nghĩa đó, bà Thu và gia đình xứng đáng là tấm gương sáng trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>