Đôi vợ chồng khuyết tật truyền cảm hứng cho mọi người

06/06/2022 | 08:35 GMT+7

Dù khuyết tật, nhưng vợ chồng anh Võ Văn Hái (sinh năm 1985) và chị Phan Thị Yến Thu (sinh năm 1998), ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, vẫn luôn lạc quan và tràn đầy nghị lực sống, tích cực hòa nhập cộng đồng.

Anh Võ Văn Hái và chị Phan Thị Yến Thu (mặc áo khoác) khi tham gia Giải Bơi lội dành cho người khuyết tật toàn quốc năm 2020.

Vượt qua rào cản bản thân

Sinh ra với một cơ thể lành lặn, nhưng do mắc bệnh thận và tắc nghẽn mạch máu, nên đến năm 21 tuổi, anh Hái phải cưa bỏ một phần chân trái. Từ một chàng trai trẻ, với nhiều hoài bão tương lai, bỗng trở nên khuyết tật, anh Hái không khỏi hụt hẫng. Những ngày đầu sau cơn bạo bệnh, anh rất buồn và sốc, ngoài lúc đi điều trị bệnh, anh đều lẩn quẩn ở nhà một mình. Tưởng chừng cuộc đời sẽ rơi vào bế tắc, nhưng trong một lần lên Thành phố Hồ Chí Minh tái khám, anh được giới thiệu học nghề sửa chữa điện cơ.

Anh Hái chia sẻ: “Nghề đến với tôi như một cái duyên, nghĩ lại nếu lúc đó tôi cứ ở nhà hoài không đi học nghề, thì chắc sẽ không được như bây giờ. Việc mạnh dạn học nghề cũng giống như tôi đã vượt qua được rào cản của chính bản thân mình”. Vừa học vừa làm, nhưng cũng có lúc, anh Hái cũng phải xoay xở với nhiều công việc khác như làm gỗ, bán vé số, đánh bắt cá... Hễ việc gì làm ra đồng tiền chân chính là anh làm, không kể gian khổ, cực nhọc. Nhờ chăm chỉ tích góp, đến năm 2014, anh về quê và mở được một tiệm sửa chữa điện cơ nhỏ gần nhà. Sau 8 năm làm nghề, anh đã có lượng khách quen với thu nhập ổn định.

Năm 2018, anh Hái gặp và kết hôn với chị Phan Thị Yến Thu, một người khuyết tật ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh. Do một cơn sốt bại liệt năm 6 tuổi, nên đôi chân chị Thu bị teo tóp, rất hạn chế trong việc đi lại. Tuy nhiên, chị Thu cũng học được nghề may và tự tin hòa nhập cộng đồng. Đôi vợ chồng khuyết tật với những bước đi chật vật, nhưng luôn sát cánh cùng nhau, dìu nhau qua cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đến nay, gia đình nhỏ của anh chị đã có một bé gái xinh xắn hơn 8 tháng tuổi.

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Khi đã có trong tay nghề sửa chữa điện cơ, anh Hái càng tự tin hòa nhập cộng đồng và tích cực tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật. Theo ông Cao Ngọc Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Châu Thành: “Dù bị khuyết tật, nhưng Hái luôn nỗ lực vươn lên, tự lực trong cuộc sống, chăm chỉ làm kinh tế. Ngoài ra, Hái còn là một vận động viên khuyết tật, tham gia nhiều cuộc thi bơi lội và đạt được thành tích cao”.

Ít ai biết, anh Hái đã có 6 lần tham gia Giải Bơi lội dành cho người khuyết tật toàn quốc. Ở lần thi đấu gần nhất vào năm 2020, anh đã xuất sắc giành được 2 huy chương vàng ở nội dung bơi tự do 50m và bơi ếch 50m, 1 huy chương bạc ở nội dung bơi ếch 100m. Cũng trong năm này, chị Thu được chồng động viên tham gia giải đấu. Lần đầu tiên đến với bộ môn bơi lội, nhưng chị cũng đã giành được 2 huy chương đồng. Ở mùa giải năm nay, anh Hái, chị Thu quyết tâm thu xếp công việc, gia đình để tiếp tục tập luyện và thi đấu.

Nhờ được tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật, nên vợ chồng anh Hái đều vượt qua được mặc cảm của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng. Càng tự lập, vươn lên trong cuộc sống, anh Hái càng nghĩ đến những người khuyết tật xung quanh mình. Anh luôn trăn trở tìm cách để giúp người khuyết tật vượt qua được rào cản, vững vàng trong xã hội. Theo anh, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật là một điều rất quan trọng và cần thiết.

Do tiệm điện cơ của anh Hái nằm ở vị trí quy hoạch đường, nên tạm thời anh đang đi sửa chữa lưu động và nhận hàng về nhà. Anh Hái cho biết: “Trong thời gian tới, sau khi đường làm xong tôi sẽ mở lại cửa tiệm. Anh em khuyết tật có nhu cầu học nghề, tôi sẽ nhận dạy không lấy học phí. Nếu có điều kiện, tôi cũng mong muốn thành lập một câu lạc bộ dành cho thanh niên khuyết tật ở địa phương để chúng tôi có thể kết nối, giao lưu với nhau, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm để hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống”.

Với sự nỗ lực và lòng nhiệt thành ấy, anh Hái luôn là người khuyết tật tiêu biểu của huyện Châu Thành. Nghị lực của vợ chồng anh là tấm gương, là nguồn cảm hứng cho những người kém may mắn trong cuộc sống, giúp họ tự tin vượt qua rào cản bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>