Mẹ Việt Nam anh hùng góp gạo ủng hộ chống dịch

13/04/2020 | 07:27 GMT+7

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, trích từ tiền trợ cấp hàng tháng mua lúa chà gạo tặng lực lượng phòng, chống dịch bệnh.

Mẹ Út hiện nuôi cháu nội và cả bà sui, vì con trai, con dâu đang đi làm ăn xa.

Bao gạo chứa đựng biết bao nghĩa tình

Nhắc đến chuyện đóng góp 100kg gạo ủng hộ cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng dịch thông qua UBMTTQ Việt Nam xã Xà Phiên mới đây, mẹ Út cười hiền: “Mẹ biết mấy tháng nay đất nước mình đang chống chọi với dịch bệnh nguy hiểm. Thấy mọi người chống dịch còn nhiều khó khăn, nên từ tiền lãnh trợ cấp hàng tháng, mẹ tự nguyện mua lúa về chà gạo mang tặng”.

Bao gạo 100kg của mẹ Út tặng chứa đựng biết bao nhiêu là nghĩa tình. Mẹ nhờ người con trai chở đi mua 150kg lúa, rồi gửi chà thành gạo xong mới đem số gạo đi tặng. Được hỏi tại sao không ra chợ mua gạo sẵn để tặng. Mẹ Út chia sẻ: “Mua 1kg lúa khoảng 6.000 đồng, đem đi chà chủ nhà máy lấy cám, trấu nên không có tốn tiền chà, chỉ tốn công đi coi lúa, chở tới lui. Mình ra chợ mua ăn thì dễ, nhưng đi biếu, đi tặng sợ gạo ngoài chợ để lâu có mọt. Bữa đó, đi tặng gạo, mẹ thấy ngưỡng mộ một chú thương binh 1/4, chú bị mù mà trực tiếp đi đóng góp”.

Trước đây, mỗi lần lãnh tiền trợ cấp xong, mẹ Út đi mua các loại thuốc đau nhức, xương khớp… để mẹ uống và cho những người cao tuổi quanh xóm không có tiền mua thuốc, nhưng sau này ai cũng có thẻ bảo hiểm y tế đi lãnh thuốc bệnh viện nên mẹ không còn mua thuốc dự trữ dùng chung. Rồi tháng nào mẹ cũng trích tiền trợ cấp để cúng dường trong chùa hoặc mua những thực phẩm chùa cần để tặng. Hồi trước, mỗi khi có các cuộc vận động bão lụt hay thiên tai, cán bộ xã không dám vận động mẹ. Thấy vậy, mẹ chủ động gặp cán bộ xã để đóng góp. Bây giờ, người con út của mẹ vì gia cảnh nghèo khó phải đi làm ăn xa, nên mẹ ở nhà trông nhà giùm, lo cơm nước cho đứa cháu nội và bà già vợ của con trai, cũng là bà sui của mẹ bị tâm thần kinh đang ở chung nhà…

“Cuộc đời mẹ buồn, truân chuyên lắm…”

Ở tuổi 83, mẹ Út đi đứng đã lụm khụm, mái tóc bạc gần hết. Kể chuyện cuộc đời, mẹ tự ví nó buồn như con sông Nước Đục mỗi khi có lục bình giăng khắp sông nở đầy hoa tím, dòng chảy không thông, không suôn sẻ…

Mẹ lấy chồng lúc tròn đôi tám, khi đất nước chìm trong chiến tranh, giặc giã. Khi sinh người con trai thứ 2 chưa đầy tháng, vào đúng ngày 20 tháng 10 năm 1961, trong một chống càn, chồng mẹ là liệt sĩ Văn Hữu Diêm bị giặc bắt và mang đi tra tấn trên khu vực của xã Thuận Hưng ngày nay. Chiến tranh loạn lạc, người đi chiến đấu chỉ có mục tiêu là quân địch, nên nhiều khi cũng không có thời gian để ngoảnh lại nhìn về mái ấm của mình, mẹ rất hiểu điều đó và luôn ủng hộ chồng.

“Nghe mọi người kể lại, lúc bị bắt, chồng mẹ rất kiên cường, ổng còn hát một bài ca giải phóng, không chỉ điểm và không khuất phục trước quân thù. Biết tin chồng hy sinh, bị giặc giết vùi xác nơi đâu không rõ, mẹ cứ nghe theo lời chỉ của đồng đội, bồng đứa con còn đỏ hỏn đi lân la tìm thông tin của chồng để đem xác về nhà chôn, nhưng kiếm giáp hết không thấy. Sau này, có liên hệ được tên tay sai chôn xác chồng mẹ, tìm cũng không ra. Cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của ổng…”, mẹ Út rưng rưng nhớ lại.

Sau gần chục năm, mẹ đi thêm bước nữa với người chồng sau, sinh được 6 người con. Mẹ Út nói: “Người ta nói đi thêm bước nữa coi như cuộc đời sang trang mới, hạnh phúc này kia hơn, nhưng đâu có vậy, cuộc đời mẹ tiếp tục khổ vì chồng, vì con, không có hạnh phúc. Có gần 20 năm, mẹ con dắt díu sinh sống tuốt dưới Cà Mau, cắt đứt liên lạc với ông chồng sau luôn, mẹ cố mà nuôi mấy đứa con”.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, khi mẹ nhận được giấy báo tử người con trai thứ 2 mới18 tuổi cũng hy sinh vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, không kịp hưởng niềm vui ngày độc lập. Bao nhiêu câu chuyện buồn trong cuộc sống nhưng không thể quật ngã được mẹ, vì đơn giản mẹ còn phải nuôi cả đàn con thơ dại. “Thời chiến, mẹ từng là nữ hộ sinh, sau này khi đất nước hòa bình, có làm Trưởng ban Công tác Phụ nữ ở xã Xà Phiên một thời gian. Cuộc sống cơ cực, có những điều không may mắn, có những câu chuyện rất buồn, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, con cái cũng riêng tư, nên thôi thì mình dành dụm làm từ thiện hàng tháng cho thanh thản… Nhà nước quan tâm mẹ lắm, cái ăn, cái mặc giờ không có lo lắng nữa”, mẹ Út bộc bạch.

Hai lần tiễn chồng con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, mẹ đã đóng góp quá nhiều cho bình yên của đất nước trong những năm tháng chiến tranh. Còn nay những đóng góp mẹ rất đáng trân trọng, nhất là khi cả nước đang chung tay chống đại dịch!

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh

 

Rất trân trọng tấm lòng của mẹ Út và các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân góp sức, góp của chống đại dịch!

 

Hay tin mẹ Út đóng góp gạo chung tay phòng, chống dịch Covid-19, bà Thái Thu Xương, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đã tự hào đăng tải thông tin lên trang cá nhân và chia sẻ: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBMTTQ Việt Nam tỉnh về “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, đã có gần 100 tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh ủng hộ bằng tiền và hiện vật, tất cả đều rất đáng quý, đáng trân trọng. Mẹ Út ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đã có hành động rất đẹp, thể hiện tinh thần san sẻ, dành sự quan tâm đến việc chung và lực lượng phòng dịch, xin được cảm ơn mẹ với tấm lòng thật cao cả. Biết được những thông tin về mẹ Út hay các chú thương binh, những cô chú nông dân đến tận xã góp ủng hộ mà tôi thấy ấm lòng. Chúng tôi hy vọng, những điển hình này sẽ được tuyên truyền sâu rộng, để tuổi trẻ phát huy sức trẻ, noi gương các mẹ, các chú, các anh làm nhiều việc tốt, cùng cả tỉnh, cả nước, sớm đẩy lùi đại dịch”.

 

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>