Mở lớp dạy chữ, dạy luôn trẻ cách làm người

01/07/2019 | 09:00 GMT+7

Dù đã nghỉ hưu nhưng cô giáo Lê Thị Nhờ vẫn gắn bó với nghề bằng cái tâm, cái tình.

Cô Nhờ không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em làm người, dạy kỹ năng sống.

Cách nay 4 năm, cô về hưu. Những ngày đầu nhớ nghề rơi nước mắt, nghĩ trong bụng: “Phải chi được dạy 10 năm nữa mình cũng còn dư sức”. Rồi học trò quanh xóm, đứa biết cô về hưu, hay chạy qua mượn dạy bài, mượn rèn chữ. Rồi cứ thế, nhà cô đông đúc dần, cô lại được sống trong không khí những ngày đứng trên bục giảng. Mà lớp này mở ra cô đâu chỉ dạy chữ, còn dạy các em cách làm người.

Quanh ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, nhiều gia đình biết đến cô Nhờ. Bởi lớp học tại nhà của cô giáo về hưu là lớp học của tình người. Chị Lê Thị Hồng Cẩm nói: “Ở quanh đây, nhiều anh chị đưa con em đến nhờ cô Nhờ dạy lắm. Cô dạy cách chào hỏi, dạy cách rèn chữ, con tôi học về cũng ngoan lắm, vâng lời, chào hỏi khi gặp người lớn, nhất là cách viết chữ tiến bộ lên nhiều lắm. Đó cũng là nhờ cô”.

Lớp học cô mở sau hơn một năm lúc cô về hưu. Ban đầu nhiều đứa trẻ quanh ấp hay lại nhà chơi, cô hướng dẫn trò chơi dân gian, cùng các em vui đùa, rồi có bài tập về nhà cũng hay nhờ cô chỉ dẫn… Cứ vậy, ban đầu có hai, ba em, rồi dần dà cả chục em, phụ huynh cũng muốn cô mở một lớp cố định thời gian, vì giờ không biết hết cách đọc, cách viết cho đúng để dạy con. Vậy là lớp học hình thành.

Cô chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 5, hai ba lứa học sinh đã lên THCS, nhưng vẫn nhớ về cô giáo của mình. Có những em đã 14, 15 tuổi do theo cha mẹ đi làm ăn xa nên lỡ dở việc học, nay trở về nhà, biết có lớp học của cô Nhờ cũng xin theo học. Ai muốn học thì cô dạy, ai khó khăn quá thì cô dạy miễn phí. Phan Thị Anh Thư, nhà ở ấp Xáng Mới B là trường hợp như vậy. Anh Thư lúc đến lớp cô cũng hơn 15 tuổi, mà chưa biết mặt chữ, thấy sáng dạ, cô chăm chút dạy em từng con chữ, dần dà, Thư viết được, đọc được, biết tính toán đơn giản. Hoàn cảnh của em thời gian theo cô giáo Nhờ học cũng khó khăn, Thư sống với ông bà nội vì cha mẹ đi làm ăn xa. Biết được hoàn cảnh đó, nên học hành của Thư cô quan tâm, chỉ dạy cặn kẽ hơn những em khác, vì thấy em đã lớn mà chưa được đến trường… Lớp học của cô cũng có không ít những em có hoàn cảnh giống như Thư. Cô Nhờ hiểu và chia sẻ với các em và gia đình, từ vật chất đến tinh thần.

“Hạnh phúc lắm, mỗi lần mình đi chợ mua đồ, học trò cũ gặp cứ gọi “Cô ơi, cô ơi”, hỏi thăm cô khỏe không, nói chuyện tíu ta, tíu tít. “Mặc dù là học trò… ngang hông, nhưng các em quý mình như vậy tôi thấy vui lắm. Cuộc đời làm nghề giáo của mình chắc cũng chỉ cần có vậy”, cô vui vẻ bày tỏ.

Lớp học tại nhà cũng là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quyền trẻ em ấp Xáng Mới. Cô Nhờ chia sẻ: “Mình mở lớp cốt là để dạy cho các em quanh xóm những kiến thức mình đã bồi đắp qua năm tháng, giúp các em học hành tốt hơn. Mà không chỉ dạy chữ, tôi còn dạy các em cách học làm người. Nói thì nghe lớn lao, chứ có mấy em nhỏ lớp 1, mình dạy cách chào hỏi, đi thưa về thưa cha mẹ ông bà, biết khoanh tay lễ phép trước người lớn, đó cũng là nhen nhóm lên cách học lễ nghĩa, học làm người rồi. Với những em lớn hơn, tôi cũng dạy kỹ năng sống, dạy các em cách nào để tránh bị quấy rối, gặp người lạ phải xử lý như thế nào, khi ở nhà một mình nếu có người các em không biết đến nhà thì xử lý ra sao…, từ những điều đơn giản đó nhưng với tôi rất cần thiết cho các em trong cuộc sống, nên tôi tận tâm chỉ dẫn”.

Gắn bó với nghề giáo từ năm 1979, khi chưa đầy 20 tuổi, cô Nhờ nhớ, ngày xưa đi tới Sóc Trăng học Trường Sư phạm Sóc Trăng 3 tháng là về đi dạy, sau đó mới học các lớp khác để bồi dưỡng, hoàn thiện cho nghề nghiệp của mình, “Khó khăn lắm, khi xưa còn con gái tía đâu có cho đi xa, sợ thân gái dặm trường, học hành vất vả, mỗi lần đi là trốn, học xong về dạy vất vả hơn nữa. Cô nghèo, trò cũng nghèo. Hồi đó, có 8 bạn bè ở huyện cùng nhau đi học ở Sóc Trăng, sau đó về dạy không được bao lâu, thì hết 4 người không thể tiếp tục công việc, vì khó quá. Tôi nhớ lương khi đó đâu 30 đồng thì phải, mua được cỡ 2 thùng gạo, chỉ có vậy”, cô Nhờ nhớ lại.

Hơn 35 năm đứng trên bục giảng, có khổ, nhưng cũng vui nhiều, nên cho dù có chọn lại cô Nhờ cho biết cũng sẽ chọn nghề giáo. Niềm vui của cô giờ là dạy chữ, dạy lễ nghĩa, dạy cách làm người khi còn thơ bé cho các cháu đến với lớp học của mình. Cô cũng kể niềm vui đặc biệt, đó là vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các cháu cũng nhớ tới mình, hái hoa trồng ở nhà hoặc cây cảnh xin của ông bà qua tặng cho cô. Đó là những nét hồn nhiên, nhưng đầy ý nghĩa với cô…

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>