Nghệ nhân Chín Quý: Người sáng tạo nhiều cây đờn có một không hai

12/04/2018 | 10:09 GMT+7

Gần tuổi thất thập, nghệ nhân Lê Thanh Quý (Chín Quý), hiện ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, vẫn miệt mài sáng tạo những cây đàn độc, lạ, “không đụng hàng” và có lẽ chưa ai thấy bao giờ...

Nghệ nhân bên cây ngũ âm huyền.

Tứ tuyệt cầm, ngũ âm huyền… mới nghe tên đã thấy ấn tượng

Khi hỏi vì sao ông lại có thể ráp những cây đàn chẳng “dính líu” gì với nhau tạo nên những cây đàn “nhiều thứ trong một”, ông trả lời tỉnh rụi: “Hồi đó, tôi theo đoàn hát, đàn nhiều nhạc cụ, thấy bất tiện nên trộm nghĩ lúc nào đó, mình sẽ làm ra một cây đàn thôi nhưng có thể gắn nhiều nhạc cụ, vừa tiện lợi, vừa tạo nên sắc thái mới cho nhạc cụ. Nhưng chỉ nghĩ thôi, chứ làm gì có thời gian mày mò, nghiên cứu, mà cũng chẳng có hình dung ra sẽ làm như thế nào…”.

Bẵng đi một thời gian dài lăn lộn cùng các đoàn hát đi khắp nơi, ông cũng chọn cho mình một nơi để an cư là Hậu Giang (khi đó còn là tỉnh Cần Thơ) và gắn bó với nơi này đến tận bây giờ. Khoảng năm 1994, ông bắt đầu có thời gian nghĩ đến việc chế tạo đàn. Đi đâu, ông cũng nhìn xem vật dụng gì thuận tiện là mang về. Gọt gọt, đẽo đẽo, ráp lại âm thanh không hay, hình dáng không vừa ý, lại tháo ra sửa. Nhiều lần như vậy rồi cuối cùng cũng thành công, đã tiếp sức cho ông “gắn” nhiều loại nhạc cụ tạo thành một cây đàn độc đáo mà vẫn giữ được âm thanh riêng đặc trưng của từng loại đàn. 

Những cây đàn “độc, lạ” lần lượt ra đời, được nhiều người tìm xem, mua, càng làm cho ông hưng phấn sáng tác không mệt mỏi. Những cây đàn với các tên gọi lạ như: “tứ tuyệt cầm” (kết hợp các loại đàn hạ uy di, sến, cò, guitare phím lõm thành một giá đờn), “tam huyền di” (ngẫu hứng từ cây tam thập lục và độc huyền cầm), “ngũ âm huyền” (phát triển từ cây độc huyền, kết hợp 5 đàn độc huyền trên một giá đờn) hay “kìm - cò”, “sến - cò”, “guitare phím lõm - sến - gáo”… Trong số các cây đàn này, ông ưng ý nhất là “tứ tuyệt cầm”. Bạn bè, khách gần xa tới, ông luôn mang cây đàn này ra gảy, tiếng đàn du dương, còn có cả tâm tình của người làm đàn, làm say đắm lòng người.

Hôm tôi gặp ông, mang lon bia khổ lớn ra khoe mới được đứa cháu cho. Nhìn lon bia ông nói, thời gian nữa sẽ cho ra mắt một loại đàn mới, có thể là cây “sáo và cò” hoặc “kìm và sến” cùng kết hợp trên cái vỏ này.

Người con Nha Trang chọn Hậu Giang làm nơi gắn bó

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nha Trang, nhưng được tắm mình trong lời ru ngọt ngào của mẹ, tiếng đờn và giọng hát ngọt lịm của người cha nên đã ngấm vào ông một tình yêu nghệ thuật tự lúc nào. 13 tuổi, thấy ông quá yêu thích, cha ông cho đi học đàn của ông thầy ở trong làng. Như cá gặp nước, ông đã học rất nhanh và từ đó, “lần” ra nhiều loại đàn khác. Nắm chắc nhạc lý cơ bản đã giúp cho việc phát triển nhiều loại đàn ngày một đa dạng. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu theo đoàn cải lương, sống cuộc đời lang bạt nhưng đầy trải nghiệm. Ông cũng học thêm nhiều loại đàn. Sẵn có chất giọng hay nên càng hỗ trợ cho việc tập luyện cho đoàn hát và cũng giúp ông có suy nghĩ sáng tạo… lạ lùng. Tình yêu của ông, bà cũng bắt đầu từ nghệ thuật, bởi bà cũng là một cô đào cải lương. Cũng vì mến giọng hát, yêu tiếng đàn mà tìm đến với nhau để xây dựng một gia đình nhỏ. Rồi cuộc sống ngày một khó khăn, đoàn hát không còn hưng thịnh, nên ông bà quyết định về Ngã Bảy để sống và nuôi dạy các con, bỏ cuộc đời lênh đênh của người nghệ sĩ. Thế nhưng cũng từ đó, lại mở ra cho ông một hướng mới, trở thành một nghệ nhân thực thụ.

Trở về với công việc thường ngày, ông là một người chồng, người cha mẫu mực, luôn hết lòng vì gia đình. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn chắt chiu, dành dụm để nuôi dạy các con nên người, tạo không khí ấm cúng trong gia đình. Ông vừa tham gia sinh hoạt tài tử ở địa phương, vừa truyền nghề cho những ai yêu thích. Không ngại khó, ở đâu có nhu cầu học là ông đến dạy. Dù thù lao không nhiều, nhưng cũng đủ để ông chăm chút cho gia đình. Rồi ông còn đi đàn cho các đám tiệc có nhu cầu. Vợ ông, nghệ sĩ Trang Kim Tuyến (từng hát tại nhiều đoàn cải lương ở Sài Gòn khi xưa), luôn theo sát chăm chút cho ông và cũng để hát khi có người yêu cầu để đỡ nhớ nghề. Giọng hát ngọt lịm, cùng tiếng đàn chất chứa nhiều cảm xúc đã khiến cho những ai từng được nghe sẽ nhớ mãi...

Trở lại với câu chuyện làm hồ sơ để được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, ông nói, được chọn xét thôi đã là niềm vinh dự và hạnh phúc rồi. Ông sẽ dốc hết sức trong những năm tháng còn lại của cuộc đời để chế tạo đàn “độc, lạ”, để truyền nghề cho những người yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử.

Nghệ nhân Lê Thanh Quý thông thạo hơn 10 nhạc cụ: kìm, cò,  sến, guitare phím lõm, bầu, violin, hạ uy di, tranh, sáo, kèn…; thông thạo các bài bản tài tử, cải lương và những điệu thức sân khấu cải lương khác như dân ca, cổ nhạc, hồ quảng. Ông sáng chế ra nhiều loại đàn trên cùng một giá đờn: tam huyền di, tứ tuyệt cầm, ngũ âm huyền, kìm - cò, sến – cò...

 

Được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong chuyến về Hậu Giang được nghe nghệ nhân Chín Quý biểu diễn nhạc tài tử trên các cây đàn do ông sáng chế, đã nhận xét rằng một nghệ nhân như vậy quá hiếm hoi và hoàn toàn xứng đáng để được xét danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, nên đã đề nghị Hậu Giang nên đưa vào danh sách xét đặc cách...

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>