Ở tiệm may của người khuyết tật

11/06/2018 | 09:29 GMT+7

Chị em bà Nguyễn Thị Năm, chủ nhà may Trường, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã không ngại khó mà san sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người khuyết tật đồng cảnh ngộ với mình để có được nghề may trong tay, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh niềm vui may được những bộ đồ ưng ý cho khách, hạnh phúc với bà Năm còn là được dạy nghề cho những người khuyết tật.

Hai chị em vượt lên nghịch cảnh

Sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em, những tưởng cuộc sống cũng sẽ bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi ngày càng lớn bà Năm và người em trai kế là anh Nguyễn Trung Hậu, sức khỏe ngày càng yếu đi, đôi chân không thể đi lại được như người bình thường. Mặc dù vậy, nhưng với niềm đam mê dành cho nghề may và được sự động viên của gia đình, bà Năm và anh Hậu đã quyết tâm học và gắn bó với nghề may hơn 30 năm nay. Bà Năm tâm sự: “Lúc sinh ra, cơ thể tôi đã yếu hơn mấy đứa trẻ bình thường, rồi ngày càng lớn lên chân không đi lại được nữa, tay thì yếu dần luôn. Bởi vậy, mọi sinh hoạt đều nhờ có người hỗ trợ hết. Hồi trước nhà nghèo lắm, nhưng tôi lại thích nghề may, nên gia đình đã đi vay mượn lúa để cho tôi đi học may. Do lúc đó, học phải tự mang vải nhà theo may, mà lại nghèo làm gì có vải nhiều để may cho nhanh thạo nghề. Đến năm 25 tuổi, tôi mở được cái nhà may nhỏ, rồi dần được nhiều người biết đến ủng hộ nên mới được như giờ”.

Không biết tự bao giờ, tiệm may nhỏ không tên tuổi ngày nào của bà Năm và anh Hậu, đã trở thành địa chỉ may đồ gần gũi và được lòng của người dân ở thị trấn Bảy Ngàn. Những chiếc áo dài hoa, những bộ đồ lẻ hay những chiếc áo sơ mi… với đường may sắc sảo và kiểu dáng hiện đại đã tạo được uy tín trong lòng nhiều người khách. Anh Hậu nói: “Chân tôi cũng đi lại không được, chủ yếu ngồi xe lăn. Khi học hết lớp 9 điều kiện đi học khó khăn, nên tôi mới nghỉ học về theo chị tôi học may đồ luôn, nhờ vậy mà tôi cũng có được cái nghề ổn định. Nhà có đến hai người khuyết tật, vì vậy tôi và chị Năm luôn cố gắng để không là gánh nặng cho gia đình”. Dù đôi chân đi lại rất khó khăn, nhưng ở tiệm anh Hậu là người thợ giỏi, chuyên phụ trách may áo sơ mi, quần tây các loại cho khách.

Ở tiệm may của bà Năm hiện tại, có may đầy đủ các loại trang phục như: áo bà ba, áo dài, đồ kiểu, đầm, áo sơ mi, quần tây… với mức giá bình dân. Điều đặc biệt ở tiệm may này là khách hàng có thể chọn may đủ các kiểu quần áo thời trang do chủ tiệm luôn cập nhật thường xuyên. Nhờ chịu khó lên mạng tìm kiếm các kiểu dáng quần áo hiện đại để tư vấn may cho khách, đã giúp tiệm may của chị em bà Năm ngày càng được nhiều người biết đến.

San sẻ người đồng cảnh ngộ

Thấu hiểu nỗi khó khăn của những cảnh đời khuyết tật giống như mình, tiệm may của chị em bà Năm không chỉ nhận học trò, mà còn tình nguyện dạy miễn phí cho người khuyết tật. “Bên cạnh nhận học trò bình thường, tôi cũng nhận dạy cho người khuyết tật nữa. Trước đây, tôi cũng dạy được cho 2 người khuyết tật ở gần đây, giờ họ ra nghề rồi cũng mở được tiệm may nhỏ tại nhà, thấy vậy tôi vui lắm. Do mình cũng khuyết tật đôi chân, nên mình hiểu được nỗi mặc cảm, khó khăn của người khuyết tật lắm. Xuất phát từ mong muốn tạo điều kiện để người khuyết tật có được cái nghề, tự lo cho mình và không là gánh nặng cho gia đình, xã hội, nên chị em tôi quyết định nhận dạy may miễn phí cho người khuyết tật có nhu cầu”, bà Năm chia sẻ.

Hiện nay, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật khi đến học may, tại tiệm bà Năm còn bố trí các máy may dành cho người học mượn. Bà Năm cho biết: “Người khuyết tật, việc sinh hoạt của họ sẽ khác và khó khăn hơn rất nhiều so với người bình thường, nhà tôi lại chật nên đâu có giúp cho người ta ăn ở được. Bởi vậy, cũng có nhiều người khuyết tật vì vậy mà không đến học được. Mỗi lần, dạy được một người học trò đặc biệt, là học trò khuyết tật thạo nghề ra làm được, tôi thấy vui lắm. Ở tiệm chúng tôi cũng có một số máy may để sẵn cho học trò khuyết tật có nhu cầu đến học may mượn luôn, vậy cho người ta tiện hơn khi học”.

Bà cũng mong muốn sẽ có điều kiện tốt để nhận thêm nhiều người khuyết tật đến với nghề may, cũng là cách giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tấm lòng đồng cảm của chị em bà Năm sẽ giúp cho những mảnh đời khiếm khuyết có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>