Quán cơm 5.000 đồng

04/06/2018 | 08:29 GMT+7

Góp sức mình giúp đỡ những người khó khăn luôn là điều mà bà Đặng Thị Nga, người mở quán ăn 5.000 đồng mong muốn.

Hơn 3 tháng qua, người dân nghèo, các cô, chú, em nhỏ bán vé số và nhiều trường hợp đặc biệt khác ở thành phố Vị Thanh đã có được thêm nhiều bữa ăn ngon, rẻ khi đến quán ăn 5.000 đồng của bà Đặng Thị Nga, tại khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh (khu ăn uống đối diện chợ nông thôn Vị Thanh). Quán bán từ 5 giờ đến hơn 8 giờ 30 phút sáng. Thực đơn của quán bao gồm nhiều thức ăn chay: bún, cơm, hủ tiếu, mì, bánh mì,… Điều đặc biệt là một khẩu phần ăn giống như những quán chay bình thường, không ít hơn, nhưng chỉ với giá 5.000 đồng. Do bán với giá rẻ nên số lượng khách đến ăn rất đông (khoảng 400 người/ngày) nên bà Nga phải thuê thêm 3 người phụ quán. Bà Nguyễn Thị Hai, bán vé số dạo ở chợ Vị Thanh, chia sẻ: “Mấy tháng nay, tôi mừng lắm và sáng nào cũng ghé quán để ăn, chỉ có 5.000 đồng/phần nhưng ăn rất no và ngon, giúp tôi đỡ tốn một khoản tiền. Vì nếu ăn chỗ khác ít cũng 15.000 đồng, ít ai bán cho mình 10.000 đồng lắm”.

Bà Nga luôn chăm chút từng phần thức ăn cho khách.

Tuy chỉ mới hoạt động vài tháng nhưng quán ăn 5.000 đồng dường như đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người bán vé số,… Mỗi người đến đây có thể tự lựa chọn cho mình món ăn yêu thích và được bà Nga phục vụ thức ăn tận bàn bằng một tấm lòng trân quý, rất vui vẻ, thân thiện và nhiệt tình.

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa bà Nga mở quán ăn này, nhanh tay lấy vội thức ăn cho khách, bà cười nói: “Tôi chỉ hy vọng san sẻ một phần nào đó với những người khó khăn có được bữa cơm no, ấm lòng bởi trong cuộc sống vẫn còn nhiều người khổ lắm”.

Bà Nga đã ngoài 50 tuổi, quê gốc An Giang, bà xuống Hậu Giang bán cơm chay gần 7 năm qua. Hiện bà đang thuê nhà trọ và mặt bằng để bán quán ăn 5.000 đồng, mỗi tháng cũng tiêu tốn gần 3 triệu đồng. Mỗi ngày, chưa đầy 2 giờ sáng bà thức dậy và cặm cụi làm thức ăn đến tờ mờ thì dọn hàng ra bán. Sau khi bán xong bà Nga trở về căn phòng trọ rộng chừng 20m2 nằm cạnh bờ sông và tiếp tục chuẩn bị thực phẩm cần thiết cho ngày hôm sau. Ông Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Chi bộ khu vực 1, phường III, nói: “Bà Nga về tạm trú tại địa phương cũng khá lâu, là người hiền lành, tốt bụng, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là thấy bà làm từ thiện nhiều”.

Việc mở quán ăn 5.000 đồng với bà Nga là một ước mơ. Bình quân chi phí của quán mỗi ngày hơn 1 triệu đồng (chưa bao gồm tiền thuê mướn lao động 50.000 đồng/người/buổi). Để có thể thực hiện được mong muốn này bà đã vay ngân hàng 30 triệu đồng để làm vốn và trả góp hàng tháng. Bà Nga tiếp lời: “Nói có lời chắc không có rồi, chỉ mong có vốn để bán tiếp mỗi ngày đã mừng lắm rồi. Với tôi, quan trọng là san sẻ khó khăn với người nghèo khổ. Hiện giờ quán được mở nhưng để duy trì hoạt động trong thời gian dài chưa bao giờ dễ dàng bởi tôi gặp khó khăn về kinh phí. Tâm nguyện lớn nhất của tôi nếu có đủ điều kiện phát triển quán lớn hơn và những phần ăn sẽ hoàn toàn miễn phí”. Ngoài việc mở quán ăn 5.000 đồng, từ năm 2014 đến nay, những ngày 14 và 29 âm lịch hàng tháng, bà cùng với những người quen biết sẽ nấu tặng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trẻ khuyết tật, người cơ nhỡ, người nghèo, người bán ở khu vực chợ nông thôn,… gần 1.000 hộp cơm chay. Kinh phí mỗi tháng trên 6 triệu đồng có được là nhờ sự san sẻ của những thành viên trong nhóm có chung tấm lòng thiện nguyện.

Qua câu chuyện của bà Nga, mọi người sẽ cảm nhận được trong cuộc sống này vẫn còn tình thương giữa người với người. Mỗi người đều có những cách khác nhau để giúp đời, giúp người nhưng đều xuất phát từ chính cái tâm làm cho cuộc sống này thêm đẹp và ý nghĩa. Bản thân bà vẫn rất cần lắm sự chung tay từ mọi người để cùng xây nên những ước mơ mà ở đó sự yêu thương và tình cảm con người được đề cao. Dù những giọt mồ hôi lã chã trên khuôn mặt, nhưng sự vui mừng của người được nhận càng thôi thúc và tiếp thêm động lực để bà thực hiện công việc này.

Gương mặt bà vẫn rạng rỡ nụ cười, nụ cười của niềm hạnh phúc khi góp một phần sức mình giúp ích cho xã hội, khi thấy được người nghèo ăn hết dĩa cơm ngon lành và khi có khách đến gọi: “Bà chủ, cho dĩa cơm 5.000 đồng”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>