Việc tử tế của những người tử tế

18/06/2018 | 08:02 GMT+7

Thư viện tỉnh Hậu Giang xây dựng mô hình “Việc tử tế”, với mong muốn hướng cho mỗi cán bộ, viên chức tại đơn vị làm ít nhất một việc tốt cho cộng đồng.

Những cá nhân tiêu biểu của “Việc tử tế” được Thư viện tỉnh khen thưởng, tuyên dương.

Mô hình “Việc tử tế” ra đời năm 2017, không bằng những lời nói suôn mà bằng những việc làm thật cụ thể. Bà Võ Thị Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, bà quan sát rất kỹ những việc trong cơ quan cũng như khi về nhà bằng những câu chuyện kể của các thành viên trong cơ quan. Từ đó, thấy họ làm nhiều việc có ý nghĩa, cớ gì không phát huy để không chỉ lòng tốt được nhân lên, góp phần tu dưỡng, trau dồi đạo đức, phong cách, rèn luyện lối sống đẹp, sống có ích trong từng cá nhân. Kế hoạch được mọi người ủng hộ nhiệt tình, từ đó, quá trình triển khai dễ dàng, thuận lợi, mọi người hồ hởi tham gia.

Nội dung chính của mô hình này là mỗi cán bộ, viên chức làm những việc thật cụ thể, giúp ích cho những người khó khăn hoạn nạn, đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, cộng đồng. Mỗi thứ hai hàng tuần, trong giờ đọc báo buổi sáng, từng cán bộ, viên chức kể lại việc tử tế mà mình đã làm hoặc sẽ làm, để tập thể nhận xét, góp ý. Nếu được tập thể công nhận, sẽ được ghi vào sổ theo dõi. Cuối năm, người nào làm nhiều sẽ được biểu dương, khen thưởng… Việc làm này vẫn được duy trì từ năm rồi đến bây giờ. Bà Trần Tuyết Hận, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Tôi thấy ở gần nhà, có em học sinh đơn chiếc, không người đưa đi học, sẵn cũng đưa con mình, tôi cho em quá giang. Mình thấy việc làm nhỏ, nhưng nhìn ánh mắt vui mừng, biết ơn của em, tôi thấy lòng ấm áp lạ. Mô hình này gắn kết với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nên càng giúp mỗi cán bộ, viên chức ở đây thể hiện rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng”.

Từ khi có mô hình, mỗi cán bộ nhân viên ở Thư viện tỉnh sống điềm tĩnh hơn, chịu khó quan sát và trải lòng, chia sẻ và cảm thông với những người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mỗi người ở thư viện đều có nhiều việc làm tốt. Như anh Trần Xoàn Hôn (Phòng Nghiệp vụ - Phong trào), ngoài tự nguyện hiến máu cứu người, còn dành dụm tiền mua gạo tặng bếp ăn từ thiện các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, dù cuộc sống còn khá vất vả; anh Châu Thành Được (Phòng Nghiệp vụ - Phong trào) cho bà Hai, ở ấp 6, xã Vị Tân, sống neo đơn, rất khó khăn được câu nước sạch của nhà mình sử dụng mà không phải trả tiền… Còn rất nhiều những việc tưởng chừng nhỏ, nhưng thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, viên chức thư viện với cộng đồng, như xin giấy báo cho nhà chùa để gói thuốc nam cho người nghèo, tặng quần áo cũ cho người nghèo, giúp người đi đường bị tai nạn giao thông, thấy dây điện đứt giữa đường là dừng lại chặn xe và thông báo với cơ quan chức năng để xử lý, tránh tai nạn cho người đi đường…

Câu chuyện của mỗi người dù nhỏ, nhưng họ làm với tất cả tấm lòng, bằng sự tử tế của bản thân. Khi được hỏi, họ lắc đầu cười và nói có làm được nhiêu đâu mà kể, thế nhưng những việc làm của họ rất đáng trân trọng. Nếu mỗi người đều ý thức và phấn đấu làm một việc tốt như mô hình của Thư viện tỉnh, sẽ có biết bao nhiêu là việc tốt trong xã hội, để giúp đỡ những người vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được như vậy, xã hội này sẽ đẹp hơn và hơi ấm tình người sẽ được lan tỏa, vì trong xã hội này vẫn cần lắm những tấm lòng sẻ chia, để vơi đi nỗi nhọc nhằn của những phận người còn lắm khó khăn!

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>