Vun đắp niềm tin cho người khuyết tật

23/03/2020 | 08:01 GMT+7

Chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật luôn được quan tâm thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, để giúp mọi người có thêm niềm tin, nghị lực, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Chăm sóc, hỗ trợ cho người khuyết tật luôn được các cấp, các ngành và địa phương thực hiện.

Vươn lên bằng nghị lực

Bất kể nắng gay gắt giữa trưa, anh Trần Văn Châu, ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, vẫn chạy xe đến nhà khách hàng để chở chiếc ti vi về sửa. Nhìn anh vác chiếc ti vi một cách nặng nề, ai nấy đều cảm động. 5 tuổi, anh Châu bị sốt bại liệt, căn bệnh ấy đã để lại di chứng trên đôi chân của anh, chân phải anh bị teo dần, nên việc đi đứng rất khó khăn. Dù vậy anh vẫn cố gắng học tập, lao động sản xuất, để trở thành người có ích cho xã hội. Nói về thu nhập, anh Châu cười: “Có ngày vài chục ngàn đồng, vài trăm ngàn đồng, cũng có ngày chẳng có đồng nào. Nhưng nhờ nghề này, tôi nuôi được vợ con”.

Khuyết tật, không thể lao động nặng, anh Châu chọn học nghề điện tử. Năm 2001, khi 19 tuổi, anh học nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian học, anh luôn cố gắng, mong muốn mau rành nghề, để về phụ giúp gia đình. Sau 2 năm học, trở về quê, anh tiếp tục theo học tại các cơ sở sửa chữa điện tử tại địa phương. Tại đây, anh vừa học, vừa làm. Với nghề được học, anh đã có thể tự tạo thu nhập. Anh Châu tâm sự: “Bị khuyết tật, tôi mặc cảm với mọi người nhiều lắm. Nhưng tôi tự nhủ, mình phải cố gắng vươn lên, tránh làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Hiện nay, không chỉ khách hàng đem đồ đến nhà để sửa, với những người không có điều kiện chuyên chở, anh cũng sẵn lòng đến tận nhà để chở về sửa. Thời gian đầu, do ít vốn anh chỉ mua vỏn vẹn có vài vật dụng cơ bản để hành nghề. Với phương châm hết lòng vì khách hàng, anh ra sức “cày”, có những lúc làm đến 11, 12 giờ khuya. Khi đã tạo được uy tín, lượng khách đem đến chỗ anh sửa ngày một đông hơn và dụng cụ phục vụ cho công việc cũng được nhiều hơn. Bật mí kinh nghiệm giữ khách, anh Châu cho biết: “Ngoài thái độ niềm nở khi giao tiếp với khách hàng, tôi không bao giờ “chặt chém”, luôn lấy giá cả phải chăng. Với lại, bản thân luôn hết sức tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc, có như vậy mới giữ chân được khách hàng”.

Không riêng anh Châu, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực, cố gắng lao động để có cuộc sống tốt hơn. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng chỉ có cố gắng mới giúp bản thân vượt lên số phận, ổn định cuộc sống để làm người có ích cho xã hội.

Đồng hành và trách nhiệm 

Toàn tỉnh có trên 11.700 người khuyết tật. Để chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động vì người khuyết tật như dạy nghề cho người khuyết tật, trợ giúp pháp lý, được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, tặng quà, trợ giúp khó khăn… Chị Trần Nguyễn Kim Huệ, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “Bị khuyết tật ở chân bẩm sinh, mỗi tháng tôi nhận trợ cấp xã hội được 405.000 đồng. Chính quyền địa phương, các cấp hội còn thăm hỏi, động viên. Những hành động đó giúp người khuyết tật chúng tôi vượt qua mặc cảm, tiếp tục nỗ lực để xây dựng cuộc sống. Ngoài ra, mỗi khi vận động được quà, chính quyền địa phương luôn ưu tiên cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi rất biết ơn sự chăm lo này”. Bản thân bị khuyết tật, chị Huệ đã chọn nghề may gia công, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Nhờ có nghề sửa điện tử, anh Châu lo được cuộc sống gia đình.

Qua ngôn ngữ ký hiệu, em Thái Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 5, ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, cho biết: “Nhờ được học nghề đan dây nhựa, học sinh khuyết tật như chúng em mừng lắm. Đây là cơ hội để chúng em có thể lao động, làm việc như những người bình thường khác”.

Trong cuộc sống không ai muốn mình bị khuyết tật. Nhưng có những người điều không may đến với họ mà bị khuyết tật do bị bệnh bẩm sinh, hay bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… đã mất đi một phần thân thể như tay, chân. Để giúp người khuyết tật xua đi mặc cảm tự ti cũng như giảm bớt khó khăn, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực. Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động trao tặng 127 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo, xây dựng và sửa chữa 28 căn nhà tình thương, phẫu thuật tim miễn phí cho 17 người lớn và trẻ em. Ngoài ra, còn vận động trao tặng hàng ngàn phần quà cho người khuyết tật.

Theo ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, với mỗi người khuyết tật, hội luôn tìm hiểu hoàn cảnh, để có sự hỗ trợ phù hợp. Với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ người khuyết tật. Nêu gương những người khuyết tật tiêu biểu vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống để những người khuyết tật khác học tập và noi theo...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>