Đưa vốn chính sách đến hộ dân

23/04/2019 | 09:37 GMT+7

Để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng theo Nghị quyết Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hậu Giang năm 2019 là 8,5% so với năm 2018, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã tranh thủ nguồn vốn và kịp thời giải ngân các chương trình tín dụng chính sách cho hộ vay.

Anh Nguyễn Văn An đang làm cỏ xung quanh những cây bưởi mới trồng thêm từ nguồn vốn vay.

Theo kế hoạch của Nghị quyết Ban đại diện HĐQT, trong quý I năm 2019, chi nhánh đã thực hiện hoàn thành 7/10 chỉ tiêu và đã có trên 9.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho gần 200 lao động, giúp gần 100 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 8.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho gần 1.000 hộ tại vùng khó khăn.

Ông Trần Thành Đạt, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Ngay từ đầu năm, chi nhánh bám sát các nội dung Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT đề ra để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ giao dịch lưu động tại điểm giao dịch xã. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng ủy thác, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn (TK&VV).

Chi nhánh cũng đã phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ TK&VV trong việc xử lý nợ đến hạn, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn, rà soát các khoản nợ khoanh, từ đó có các giải pháp xử lý thu hồi hoặc xử lý kịp thời đối với trường hợp nợ bị rủi ro, đảm bảo phù hợp với chính sách quy định, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Thời gian qua, chi nhánh cũng thường xuyên quan tâm đến việc nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để đề nghị xử lý kịp thời. Việc kịp thời xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan đã giúp cho hộ vay vốn giảm bớt những khó khăn về tài chính, tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn An, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Từ khi nguồn vốn hỗ trợ cho vay kịp thời đã giúp gia đình phát triển kinh tế và đời sống ngày càng tốt hơn. Tôi được vay nguồn vốn nước sạch cách đây 2 năm, nhờ có nguồn vốn này mà gia đình tôi có nước sạch sử dụng và gần đây lại được vay 20 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng. Từ nguồn này, tôi trồng được 300 cây cam xoàn đã cho hiệu quả kinh tế và mới đây nhất, NHCSXH huyện Vị Thủy đã kịp thời cho tôi vay nâng lên 50 triệu đồng, từ nguồn vốn mới vay thêm tôi đầu tư trồng thêm 800 cây cam, bưởi”.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách trong cho vay đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đã giúp nhiều địa phương đạt tỷ lệ giảm nghèo hàng năm. Vì thế, UBND thị xã đã chỉ đạo các cấp, ban, ngành thị xã tập trung giải ngân cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay NHCSXH. Trong quý II này, thị xã tiếp tục rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, chốt lại chỉ tiêu tín dụng để có kế hoạch cho hộ vay tiếp cận các chương trình tín dụng hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung mọi giải pháp để đưa nguồn vốn chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu đối tượng vay, góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Để đạt được các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, chi nhánh trình Trung ương xem xét, giao bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 đối với các chương trình tín dụng hiện nay có nhu cầu về vốn còn cao, tập trung vào một số chương trình hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội... Các địa phương xem xét, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tích cực huy động vốn tại địa phương từ tiền gửi của tổ TK&VV, tiền gửi của các tổ chức và cá nhân, tiền gửi tại điểm giao dịch xã, tích cực vận động sở, ngành, cơ quan Nhà nước mở tài khoản thanh toán, tiền gửi tại chi nhánh để tạo nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng. Tập trung tổ chức giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt quan tâm đến những đơn vị có chất lượng tín dụng chưa ổn định. Thường xuyên rà soát, phân tích nợ, trong đó rà soát các khoản nợ tồn đọng để có giải pháp xử lý phù hợp; quan tâm đến các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro kịp thời cho hộ vay.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>