Đưa vốn đến người có công

22/03/2018 | 07:39 GMT+7

Từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách  xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hậu Giang để hỗ trợ vốn cho vay sản xuất phát triển kinh tế đối với gia đình có công đã ngày càng phát huy hiệu quả.

Nhờ có vốn vay mà vườn mãng cầu gia đình bà Nguyễn Thị Khen được chăm bón tốt hơn, cho thu nhập khá.

Nhận xét về chương trình cho vay gia đình có công với cách mạng, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Sau khi vay vốn, hộ gia đình người có công đã sử dụng đúng mục đích, vốn vay được đầu tư vào các mô hình làm ăn một cách hiệu quả như cải tạo vườn, chăm sóc vườn, chăn nuôi, trồng hoa màu, mua bán nhỏ. Hộ vay đóng lãi hàng tháng và gửi tiền tiết kiệm, nhiều hộ đã trả nợ gốc đúng theo phân kỳ, nguồn vốn thu hồi tiếp tục được vay xoay vòng cho các hộ khác. Qua đó, cho thấy hiệu quả mang lại từ chương trình này rất khả quan. Hàng tháng, sau khi trả lãi theo thỏa thuận với NHCSXH, hộ vay tham gia gửi tiết kiệm tương đương với số tiền phải trả nợ gốc hàng tháng để tích lũy nguồn vốn trả nợ theo phân kỳ. Việc thực hiện gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản của từng khách hàng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn để đến kỳ hạn trả nợ khách hàng yêu cầu chuyển khoản trả nợ, qua đó cho thấy phương thức cho vay của chương trình linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay trong việc đóng lãi hàng tháng, gửi tiết kiệm để trả gốc theo phân kỳ.

Một trong những gia đình được vay vốn chương trình tín dụng người có công với cách mạng làm ăn hiệu quả, bà Dương Kim Liễu, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết: “Cho người có công vay là chương trình hết sức ý nghĩa. Gia đình tôi vay được 25 triệu đồng gần 7 tháng qua. Cũng nhờ có nguồn vốn vay mà đã mua phân để bón cho dây tiêu và trồng mới được 200 gốc bưởi da xanh. Hiện tại, bưởi đang phát triển tốt và vụ tết vừa rồi đã thu hoạch trên 500kg, bán được trên 40 triệu đồng nên gia đình tôi rất vui. Từ đồng vốn vay đã tiếp sức cho gia đình tăng gia sản xuất, đời sống ngày càng phát triển hơn và còn đóng lãi nợ vay, gửi tiết kiệm lại cho NHCSXH chi nhánh Hậu Giang đầy đủ”.

Từ khi vay thêm nguồn vốn từ chương trình người có công đã giúp cho gia đình bà Trần Thị Chính, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, có thêm nguồn thu nhập tốt hơn. Bà Chính tâm sự: “Năm 2015, xem trên mạng thấy mô hình nuôi chim trĩ cho thu nhập cao. Để có thêm thu nhập, sau thời gian tìm tòi, học hỏi, gia đình đã mua về cặp chim trĩ bố mẹ nuôi thử và đã thành công. Năm 2017, được NHCSXH Phòng giao dịch huyện Vị Thủy cho vay chương trình người có công, gia đình có thêm nguồn vốn để cải tạo vườn, đầu tư mua thêm chim trĩ bố mẹ và máy ấp trứng. Từ 16 cặp chim trĩ bố mẹ đến nay tăng lên được 50 con mẹ để đẻ, bình quân một tháng gia đình cho ấp từ 700-1.000 trứng chim trĩ. Nhờ đó đã tăng thêm thu nhập cho gia đình, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng kiếm được từ 15 triệu đồng trở lên”.

Huyện Phụng Hiệp là một trong những đơn vị có số lượng gia đình người có công với cách mạng vay nhiều. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay chương trình người có công với cách mạng trên địa bàn toàn huyện là 112 hộ với tổng dư nợ trên 3,4 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Bà Nguyễn Thị Khen, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Gia đình tôi trồng được 500 gốc mãng cầu xiêm đang cho trái. Nhờ có thêm vốn vay mấy tháng nay gia đình có tiền mua phân bón cho mãng cầu tốt hơn. Rất vui là lần hái trái đầu tiên bán được khoảng 40 triệu đồng. Phải khẳng định rằng chương trình cho vay này thật sự thiết thực và còn thể hiện sự quan tâm của các cấp, chính quyền đến những gia đình có công với cách mạng”.

Chỉ tay về phía hàng rào mới xây chuẩn bị hoàn thiện, bà Phạm Thị Khanh, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, khoe: “Tiền xây dựng hàng rào là nhờ bán trái cây của gia đình và tích góp thêm. Được như vậy, một phần là từ vay vốn chương trình người có công 6 tháng nay. Với nguồn vốn này gia đình đã mua thêm vật tư nông nghiệp chăm sóc cây trồng hiện có, nhờ đó cây trái phát triển tốt, giúp bán được nhiều tiền hơn góp phần trang trải chi phí sinh hoạt và dư ra để làm hàng rào”.

Theo các địa phương, nguồn vốn cho vay chương trình này còn hạn hẹp nhưng nhiều hộ gia đình có công với cách mạng rất mong mỏi được vay vốn. Bà Võ Thị Khôn, Trưởng ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, cho biết: Hiện toàn ấp có 29 hộ có công nhưng chỉ mới có được 5 hộ được vay vốn từ chương trình. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Cho nên để hỗ trợ cho những gia đình có công còn lại được vay vốn phát triển sản xuất, đề nghị các cấp, chính quyền địa phương tạo điều kiện có thêm nguồn vốn để cho vay.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách cho vay hỗ trợ vốn sản xuất đối với người có công với cách mạng, chi nhánh đã kiến nghị với UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh chuyển vốn ngân sách năm 2018 qua NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, xem xét đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2018-2020, vì theo kết quả khảo sát ở địa phương thì hiện nay nhu cầu vay vốn của hộ gia đình chính sách là rất lớn. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát và có số liệu đầy đủ, chính xác về số hộ, số tiền nhu cầu vay để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và có chỉ đạo thực hiện. Chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình cho vay đối với gia đình có công với cách mạng nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những sai sót và những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra.

Theo NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, toàn tỉnh có trên 8.000 hộ gia đình có công với cách mạng. Nguồn vốn cho vay hiện nay còn rất hạn chế so với nhu cầu vay vốn, mới được 322 hộ vay vốn với số tiền trên 9,2 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>