Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

10/11/2020 | 07:46 GMT+7

Hiệu quả từ phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng, chất lượng tín dụng nâng cao, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh.

Các tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể quản lý vốn tín dụng chính sách tốt góp phần giúp hộ vay sử dụng đúng mục đích.

Vai trò của cấp ủy

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhận định: Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, cũng như những tháng đầu năm 2020 có sự tiến bộ khá rõ nét. Ưu điểm nhất là sự quan tâm chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện và đặc biệt là vai trò thành viên của ban chỉ đạo cấp xã đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện rất hiệu quả. Trong đó, nắm tình hình kịp thời khi triển khai tín dụng chính sách ưu đãi và xử lý tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh. Theo đó, các địa phương biết phối hợp khai thác tiềm năng, lợi thế, lồng ghép vào các chương trình tín dụng để xây dựng được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả kinh tế, từ đó giúp thoát nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hậu Giang, thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã, NHCSXH đã xây dựng được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nhờ đó, đã phát huy sự kết hợp giữa nhiệm vụ chính trị của các hội, đoàn thể với các công cụ về kinh tế của các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với NHCSXH, các hội đoàn thể nhận ủy thác đã tập trung làm tốt công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức, cách làm, cách quản lý vốn tín dụng chính sách của cán bộ hội trong thực hiện dịch vụ ủy thác. Trong quá trình thực hiện có nhiều giải pháp chỉ đạo quản lý vốn ủy thác, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, rủi ro, lãi tồn đọng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao vai trò quản lý, thực hiện nghiêm túc nội dung công việc ủy thác trong quy trình cho vay.

Cho đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 75 điểm giao dịch trên tổng số 75 xã, phường, thị trấn. Việc mở các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn là phương pháp giao dịch đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho xã hội nói chung và các đối tượng được thụ hưởng nói riêng. Đã làm cầu nối để cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và Nhân dân tiếp cận được nhanh nhất, đầy đủ nhất thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nâng cao được lòng tin của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Kết quả trong thực hiện vốn tín dụng chính sách tính đến quý III tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 2.597 tỉ đồng, tăng 193 tỉ đồng, tăng trên 8% so với đầu năm. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý dư nợ ủy thác trên 2.581 tỉ đồng, chiếm 99,4% tổng dư nợ, với 2.191 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ làm tốt và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, một số đơn vị có tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt cao như huyện Vị Thủy, chiếm 95,1%; thành phố Ngã Bảy chiếm 92,9% và thị xã Long Mỹ chiếm 92,3%. Kết quả chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã có 74/75 đơn vị được xếp loại tốt, chiếm 98,7%, tăng 11,9% so với đầu năm 2020 và 1 đơn vị được xếp loại khá, không còn đơn vị xếp loại trung bình.

Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng

Từ việc phát huy vai trò của các cấp ủy đảng trong tín dụng chính sách đã góp phần cho tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo yêu cầu đề ra hàng năm, đến nay nhiều đơn vị ấp đã xóa trắng hộ nghèo. Ông Trần Văn Hải, Trưởng ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vui mừng cho hay: Hiện toàn ấp có 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý trên 4 tỉ đồng. Trong thực hiện vốn tín dụng chính sách, ấp luôn nhận được sự quan tâm của các sở, ngành, hội đoàn thể, chỉ đạo của UBND xã. Từ đó, việc bình xét cho vay đúng đối tượng, giúp hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển sản xuất, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, giúp cho ấp xóa trắng được hộ nghèo và không còn nợ quá hạn. Để tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao nhất, chính quyền ấp tiếp tục thực hiện tốt theo dõi việc sử dụng nguồn vốn cho vay, quan tâm thăm hỏi tình hình sản xuất của hộ vay.

Tuy chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng lên, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang thì chưa được đồng đều giữa các địa phương, chương trình tín dụng còn thiếu cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn, giữa các hoạt động tín dụng của ngân hàng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, tín dụng chính sách cũng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ đối với các trường hợp cả gia đình hộ vay rời khỏi địa phương nhưng không xác định được địa chỉ nơi ở mới hoặc bán nhà bỏ đi khỏi nơi cư trú. Nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của Nhân dân, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm…

Xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đề nghị tiếp tục nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của chính quyền các cấp trong củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, chú ý rà soát nhu cầu vốn để triển khai. Nhân rộng mô hình hiệu quả, xây dựng mô hình tổ hợp tác phát triển sản xuất. Quan tâm các nội dung được nhận ủy thác cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng cũng như xử lý nợ rủi ro.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>