Ngân hàng nỗ lực xử lý khối lượng lớn nợ đọng

09/05/2019 | 17:02 GMT+7

Ngày 8/5, ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát ngân hàng, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Chất lượng tín dụng đã được cải thiện; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2018.

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh. Ảnh: TTXVN

“NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo đúng quy định về sở hữu cổ phần. Đến tháng 31/12/2018, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo”, ông Bùi Văn Hải nói.

Đề cập về xử lý nợ xấu, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay: Vietcombank đã xử lý được khối lượng lớn nợ tồn đọng, gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng; đồng thời là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản VAMC, đưa nợ xấu về một sổ sớm trước 3 năm so với đề án được phê duyệt.

Tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu, đạt 134% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018), đạt 75% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020) theo Đề án đã được NHNN phê duyệt. Tính đến hết tháng 3/2019, Vietcombank tự xử lý được 22.800 tỷ đồng nợ xấu, đạt 76% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020) theo Đề án. Từ năm 2016 đến 2018, tỷ lệ nợ xấu của VCB luôn thấp hơn mức khống chế của NHNN là 3% và luôn thấp hơn kế hoạch theo Đề án.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, để xử lý nợ xấu hiệu quả, Vietcombank đã kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ; thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu trong hệ thống. Quán triệt toàn hệ thống phương thức quản lý và xử lý nợ xấu; tăng cường vai trò của trụ sở chính trong công tác xử lý, thu hồi nợ đồng thời triển khai công tác giao kế hoạch đến từng đơn vị. “Trong năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro-DPRR trên 3.500 tỷ đồng”, lãnh đạo Vietcombank nói.

Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng việc xử lý nợ xấu tại một số ngân hàng vẫn là vấn đề nan giải. Chẳng hạn tại BIDV, do sáp nhập thêm MHB nên số nợ xấu chưa thể sớm xử lý; đồng thời phải tăng trích lập DPRR.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV, đến cuối năm 2018, ngân hàng này còn hơn 14.100 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Đây cũng là lý do BIDV phải trích lập DPRR tín dụng tới 18.893 tỷ đồng đến cuối năm qua, kéo lợi nhuận chỉ còn lại 9.473 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 9% so với năm 2017.

Trả lời cổ đông về mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, Ban lãnh đạo ngân hàng đã đánh giá lại khả năng và nhận thấy hoàn toàn thực hiện được về chỉ tiêu doanh thu, nhưng ngân hàng sẽ tăng trích lập dự phòng 200 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Khoản trích lập dự phòng hợp nhất trong năm 2019 dự kiến là 20.200 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo BIDV, ngân hàng sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận BIDV đưa ra cho năm nay ở mức 10.300 tỷ đồng trước thuế, so với mức dự kiến trước đó là 10.500 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của BIDV là 1,74%, nợ xấu riêng lẻ 1,64%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đến hết quý I đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 2.262 tỷ đồng, tăng 6,9%.

Trích lập DPRR tín dụng là một trong những phương án mà các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu khi chưa thể xóa sạch nợ xấu trong thời gian ngắn. Trong năm 2018, nhiều ngân hàng đã chủ động hy sinh bớt lợi nhuận, tăng trích lập DPRR, thậm chí, tại một số ngân hàng, chi phí DPRR chiếm gần nửa lợi nhuận trong năm 2018 như Eximbank, VPBank...

VPBank cũng tăng mạnh chi phí DPRR trong năm qua, cao hơn 40,6% so với năm 2017, lên mức 11.252 tỷ đồng, chiếm 55% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Hay OCB tăng chi phí dự phòng gấp 3,7 lần lên hơn 900 tỷ đồng, chiếm 30% lợi nhuận thuần. Bên cạnh đẩy mạnh rao bán nợ xấu, Sacombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro năm vừa qua lên gần 1.600 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2017.

Trong những năm qua, lợi nhuận chủ yếu được SCB sử dụng để trích lập DPRR. Tính đến nay, Quỹ DPRR của ngân hàng đã lên đến con số hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2017. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ. Sau khi hoàn thành việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích