Nỗ lực giải ngân vốn các dự án

03/10/2018 | 08:01 GMT+7

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020 tỉnh được giao trên 8.300 tỉ đồng; phân bổ trong 3 năm 2016-2018 trên 5.400 tỉ đồng. Trong đó, có trên 4.500 tỉ đồng phân bổ thực hiện cho 1.505 dự án.

Các công trình, dự án trên địa bàn luôn được giám sát, kiểm định chất lượng.

Trong phiên giải trình mới đây về tình hình quản lý các dự án vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, các đại biểu đặt ra nhiều ý kiến chất vấn 3 sở là: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Tại phiên giải trình có 11 ý kiến xoay quanh tình hình quản lý các dự án, công tác giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng…

Có 6 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nghĩa xoay quanh lĩnh vực đầu tư công trung hạn và tình hình giải ngân. Trong đó, đại biểu đặt ra vấn đề năm 2017 tỷ lệ giải ngân thấp hơn năm 2016, năm 2018 kế hoạch giải ngân đề ra phấn đấu đạt 100%, vậy giải pháp nào đạt được mục tiêu trên? Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Kế hoạch vốn 2016 và 2017 giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó một số nguồn vốn được phân bổ về tỉnh chậm. Đối với các dự án chuyển tiếp, chậm giải ngân do các chủ đầu tư vướng khâu giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu không đáp ứng yêu cầu; quá trình triển khai dự án phát sinh một số hạng mục… Đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công triển khai. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, khi có khối lượng thì các chủ đầu tư nhanh chóng nghiệm thu, thực hiện các thủ tục sớm đưa qua kho bạc theo quy định.

Trong phần chất vấn Sở Tài chính, các đại biểu nêu lên vấn đề chậm quyết toán, liên quan đến nội dung này, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Sở đã có văn bản đôn đốc, nhất là trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây để các chủ đầu tư quyết toán các công trình kịp thời. Việc quyết toán này trong 2 năm qua dù được nhắc nhở nhưng còn tình trạng chậm trễ. Khách quan là do thời gian quyết toán rút ngắn lại so với trước đây. Tuy nhiên, khi cơ chế thay đổi thì các chủ đầu tư cần phải chủ động trong quyết toán. Vấn đề này, đơn vị đã tham mưu Thường trực UBND tỉnh hướng giải quyết. Tương tự, đối với các nhà thầu nếu không hợp tác trong quyết toán các dự án cần phải xem xét xử lý theo quy định.

Trong phần trả lời chất vấn của ngành tài nguyên và môi trường về công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn nhiều khó khăn và biện pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giải trình: Về công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh hành lang pháp lý, các quy định, còn vấn đề trình độ một bộ phận cán bộ làm công tác này; việc kiểm đếm, đo đạc áp giá đền bù còn thiếu sót. Tới đây, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Tăng cường nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ trong công tác kiểm đếm, đo đạc, không để xảy ra sai sót, tránh bổ sung nhiều lần.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (đứng), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải trình các câu hỏi của đại biểu đặt ra.

Tại phiên giải trình, chủ tọa yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông giải trình thêm vấn đề giải ngân chậm tiến độ. Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: Đến thời điểm này, kế hoạch giải ngân chung của Ban đạt khoảng 55% (vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương và địa phương khoảng 85%, giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 23,6%. Dự án Đường tỉnh 927C đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đây là dự án nhóm B có tổng mức đầu tư khoảng 850 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2017-2020. Vừa qua, được Trung ương bố trí đủ số vốn (sau khi đã giảm trừ 10%), chủ đầu tư cũng tích cực triển khai, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu mất rất nhiều thời gian. Chủ đầu tư đã triển khai đấu thầu và có kết quả vào tháng 6-2018, trong 6 tháng cuối năm phải hoàn thành xong đoạn đường 15km là rất khó khăn. Ngoài ra, đối với các dự án ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 85,3%, phấn đấu đến cuối năm giải ngân xong 2 nguồn vốn này.

Kết thúc phiên giải trình, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Các ngành đã giải trình được những vấn đề đại biểu đặt ra. Đồng thời, yêu cầu phối hợp tốt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đề xuất điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường giám sát, kiểm định chất lượng các công trình, dự án trên địa bàn. Trước khi trình dự án đầu tư công hàng năm phải có báo cáo các công trình trọng điểm, vấn đề nợ công, phương án trả nợ. Trong chỉ định thầu, đầu tư phải thực hiện đúng thủ tục; quyết toán, tất toán đúng thời gian và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị; thực hiện các dự án phải có kiểm tra, giám sát…

K.A lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>