Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

21/01/2021 | 18:41 GMT+7

Trong tình hình nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng  ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Năm 2020, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với dư nợ đạt 6.724 tỉ đồng, có 399 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

Ông Hồ La Thành, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết ngay từ đầu năm chi nhánh đã chủ động triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho các thành phần kinh tế, tập trung phân bổ vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tích cực hỗ trợ tín dụng thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Kết quả đến cuối năm 2020, nguồn vốn huy động, tín dụng tăng trưởng tốt, vượt mức mục tiêu kế hoạch đề ra. Vốn tín dụng hỗ trợ tốt trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, giải pháp thu hồi xử lý nợ xấu triển khai tích cực, tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn ở mức thấp theo đúng quy định. Cụ thể, vốn huy động tăng trưởng 14%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 14% so với năm 2019, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hậu Giang tăng trưởng tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Agribank chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Với định hướng vừa phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ kinh tế phát triển, Agribank đã ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư số 01 của NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5%-2,5%/năm so với mức vay thông thường đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tích cực thực hiện mục tiêu kép. Tiếp tục triển khai gói tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong đại dịch. Đồng thời, 4 lần chủ động giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, hiện lãi suất lĩnh vực ưu tiên của Agribank tối đa là 4,5%/năm.

Theo đó, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Agribank Hậu Giang đã miễn, giảm lãi đối với 47 khách hàng bị ảnh hưởng là 46 tỉ đồng, số tiền lãi giảm cho khách là 260 triệu đồng. Cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh là 62 tỉ đồng, với 25 khách hàng. Cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen là 69,4 tỉ đồng… 

Nhằm chia sẻ những khó khăn với khách hàng, thực hiện tốt quy định của ngành, ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hậu Giang cho biết trong năm 2020 BIDV đã thực hiện giảm lãi suất cho vay 4 đợt. Đồng thời, ngay từ tháng 5-2020, chi nhánh đã chủ động thực hiện giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 2%-5%/năm tùy theo kỳ hạn. Chi nhánh đã thực hiện cơ cấu nợ và giảm lãi suất vay theo Thông tư số 01 của NHNN Việt Nam cho 34 khách hàng với tổng dư nợ cơ cấu 282 tỉ đồng và tổng dư nợ giảm lãi là 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay hầu như toàn bộ khách hàng tại đơn vị, với 60 khách hàng doanh nghiệp và 2.000 khách hàng cá nhân, từ đó góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ khách hàng yên tâm ổn định kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Mặc dù năm 2020 được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đánh giá là năm có nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ bám sát chủ trương, định hướng phát triển nên cơ bản các tổ chức tín dụng đều đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Phạm Kế Anh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hậu Giang, cho biết nổi bật của chi nhánh là chỉ tiêu đầu tư tín dụng năm 2020 tăng 15%, dịch vụ phí tăng 30%, lợi nhuận tăng so với năm 2019. Đặc biệt, kiểm soát tín dụng năm 2020 tốt hơn năm 2019 và điểm sáng trong 4 năm liền chưa có nợ xấu rủi ro ngoại bảng. Đạt được kết quả này là nhờ bám sát chính sách của Nhà nước, chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Năm 2020, ngành ngân hàng trên địa bàn đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân hàng. Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu ngành ngân hàng. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham mưu các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phát triển ngành mía đường. Phối hợp với địa phương kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ông Hồ La Thành, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Trên cơ sở mục tiêu năm 2021 đề ra, chi nhánh sẽ triển khai và giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN Việt Nam và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đúng quy định. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với  nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng năm 2021. Cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Mục tiêu năm 2021, ngành ngân hàng đề ra là vốn huy động và tăng trưởng tín dụng tăng 12% so với cuối năm 2020, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ 50-55%/tổng dư nợ; tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn trên 40%/tổng dư nợ; tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh đảm bảo tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>