Nước rút thực hiện tất toán dự án

01/11/2018 | 08:03 GMT+7

Mặc dù công tác tất toán tài khoản thanh toán (tất toán) các dự án đã phê duyệt sử dụng ngân sách nhà nước trong năm được các chủ đầu tư tăng cường thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân việc tất toán vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại từng dự án để bố trí vốn trả nợ.

Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 1.212 dự án đã hoàn thành phê duyệt quyết toán. Hiện tại, còn 722 dự án chưa tất toán với tổng số nợ phải thu trên 5,2 tỉ đồng, tổng nợ phải trả trên 46,6 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, nguyên nhân chậm là do việc phối hợp, bàn giao tình hình công nợ giữa chủ đầu tư cũ và mới chưa thật sự tốt. Các dự án còn tồn đọng đến thời điểm này vướng mắc chủ yếu là khâu xử lý dứt điểm công nợ. Trong đó, dự án còn nợ nhưng không có nhu cầu thanh toán do doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án đã giải thể hoặc còn hoạt động nhưng không phối hợp lập thủ tục thanh toán do số nợ nhỏ là 64 dự án với số nợ phải trả 1,5 tỉ đồng và nợ phải thu trên 589 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn nợ phải trả và có nhu cầu thanh toán nhưng không có kế hoạch trong danh mục vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 188 dự án, với số nợ phải trả trên 24 tỉ đồng và nợ phải thu trên 489 triệu đồng. Ngoài ra, chưa thu hồi được nợ phải thu do doanh nghiệp tham gia thực hiện giải thể hoặc còn hoạt động nhưng không phối hợp nộp trả số tiền thanh toán cao hơn số tiền quyết toán có 320 dự án, với số nợ phải trả trên 1,5 tỉ đồng và nợ phải thu trên 3,4 tỉ đồng.

Các đơn vị chủ đầu tư còn số dự án chưa tất toán nhiều nhất là Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (BQL) có tổng số 500 dự án thì mới tất toán được 67 dự án, còn 433 dự án. Nguyên nhân được ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc BQL cho rằng do cuối năm 2015 và đầu năm 2016 tiếp nhận bàn giao các dự án nên việc thực hiện có chậm. Hiện có 138 dự án làm thủ tục quyết toán, dự kiến tổng số dự án được tất toán trong năm 2018 là 244  dự án. Các dự án còn lại BQL rà soát từng trường hợp cụ thể tiếp tục thực hiện. 

Theo ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thì toàn huyện còn 47 dự án chưa tất toán. Vấn đề khó trong tất toán hiện nay của huyện là có 3 doanh nghiệp giải thể và có 2 giám đốc đã chết nên ảnh hưởng đến việc tất toán và có 26 danh mục dự án sử dụng nguồn vốn vay kế hoạch đầu tư công. Còn huyện Vị Thủy, trong tổng số 149 dự án, huyện đã tất toán được 92 dự án, còn 57 dự án chưa tất toán với số tiền 2,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Do phải thực hiện điều chỉnh nguồn vốn nên ảnh hưởng đến tiến độ tất toán. Sắp tới huyện đẩy nhanh quyết toán, rà soát lại và cùng với tỉnh thực hiện tất toán cho xong các dự án. “Hiện tại, các doanh nghiệp tham gia thực hiện vẫn đang hoạt động bình thường nhưng do chưa được bố trí vốn để thanh toán nên huyện Long Mỹ còn 42 dự án chưa tất toán. Phấn đấu đến cuối năm tất toán khoảng 20 danh mục”, ông Lê Văn Khởi, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho hay.

Cuối năm 2017, thành phố Vị Thanh có 16 dự án thì đến nay vẫn chưa tất toán được dự án nào. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Trong 16 dự án, có 2 dự án đang quyết toán. Trong 14 dự án còn lại có 1 dự án nằm trong kế hoạch vốn đầu tư công và 1 dự án vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, 12 dự án do những đơn vị thi công đã làm văn bản quyết toán nhưng đến thời điểm này không có giải pháp quyết toán được. Đối với những đơn vị thời gian qua không thực hiện quyết toán, thành phố xin kiến nghị thực hiện quyết toán luôn vì do doanh nghiệp không phối hợp.

Muốn thực hiện tất toán tốt thì phải làm tốt công tác đối chiếu công nợ, do đó, ông Lê Phước Thái, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hậu Giang cho rằng các trường hợp dự án năm 2017 đề nghị cho tất toán đối với các nhà thầu giải thể. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư xác định lại 722 dự án chưa tất toán cụ thể từng trường hợp. Các khoản thu chưa được xác định công nợ, UBND tỉnh phải có chủ trương xin Bộ Tài chính để theo dõi công nợ riêng và các huyện có tổng hợp lên để thực hiện.

Ông Đặng Cao Trí, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị: Các chủ đầu tư phải đối chiếu lại cho rõ thêm 722 dự án mới tổng hợp, 527 dự án còn lại chưa tổng hợp đề nghị chỉ đạo báo cáo gấp rút. Nợ phải trả, phải thu, đề nghị phân tích loại doanh nghiệp giải thể là bao nhiêu, còn bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không phối hợp để trả. Nên phân ra 3 trường hợp là nợ khó thu hồi, nợ không có nhu cầu thu hồi, nợ phải phối hợp giữa Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để bố trí vốn. Đối với nợ phải thu, phải trả cần phải giao thời gian, trách nhiệm thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên thì việc thanh, quyết toán chỉ có 193 danh mục nằm trong danh mục đầu tư công, phát sinh thêm 26 tỉ đồng đối với kế hoạch đầu tư công. Nợ chủ yếu là nợ đường giao thông nông thôn từ năm 2017 tới giờ thì cần rà soát lại, vì từ năm 2016 đến nay không có vay ngân hàng để thực hiện, nếu địa phương nào triển khai làm nhưng chưa bố trí vốn nên xem xét lại. Cần rà soát lại từng dự án, trên cơ sở đó trình UBND tỉnh quyết định.

Để giảm thiểu việc phải thu hồi phần thanh toán cao hơn so với quyết toán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc thanh toán cho nhà đầu tư từ chuẩn bị dự án đến quyết toán nên căn cứ theo kiểm toán độc lập để thanh toán cho nhà thầu. Trong đó, trừ đi bao nhiêu phần trăm quyết toán, làm thế nào giảm thiểu tối đa phải thu hồi của nhà thầu. Còn theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, chủ đầu tư và BQL phải thực hiện, xử lý việc tất toán trong thời gian ngắn nhất. Đối với nợ thì phải dứt khoát thu, đối với những nợ không thu được phải làm văn bản trình Bộ Tài chính xem xét xóa nợ. Đối với nợ phải trả, BQL phải đối chiếu nhanh để tiến hành trả.

Để đến cuối năm 2018 phải hoàn thành việc tất toán, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đề nghị các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương làm thủ tục các dự án đã phê duyệt để tất toán. Nếu chủ đầu tư nào không hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy đạt từ 80-85% thì không xem xét khen thưởng trong thi đua. Theo đó, các đơn vị làm báo cáo đến ngày 10-11-2018 phải xong và chịu trách nhiệm trước Thường trực UBND tỉnh. Rà soát lại các dự án chưa bố trí vốn, chưa rõ nguồn vốn và phân loại doanh nghiệp giải thể, còn bao nhiêu doanh nghiệp không có nhu cầu thanh toán. Đối với dự án còn nợ phải trả nhưng không có nhu cầu thanh toán, đề nghị xác định rõ và báo cáo về Sở Tài chính. Đối với nợ doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán nhưng không có trong danh mục vốn trung hạn 2016-2020 cần tổng hợp lại và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại trên tinh thần ưu tiên trả nợ. Đối với dự án chưa thu hồi công nợ thì tích cực thu hồi và thông báo công khai trên thông tin đại chúng, đồng thời gửi thông báo cho chủ đầu tư biết. Sau khi các chủ đầu tư thống kê lại nhưng các doanh nghiệp không thông báo thanh quyết toán thì sẽ không cho những doanh nghiệp đó tham gia dự án nào nữa.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>