Thiết thực đề án củng cố chất lượng tín dụng

15/05/2017 | 08:00 GMT+7

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án củng cố chất lượng tín dụng vay vốn giai đoạn 2012-2016 (đề án) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý nợ vay, mở ra nhiều cơ hội mới giúp hộ vay vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay để phát triển mô hình chăn nuôi bò hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hậu Giang, nhận xét: Từ khi triển khai đề án đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp hội, đoàn thể trong việc bình xét, giám sát, kiểm tra hộ vay, giúp cho công tác quản lý nợ vay hiệu quả hơn. Kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo xử lý nợ đến hạn, chuyển nợ quá hạn để phân tích nợ vay. Qua đó, giúp cho đơn vị có phương án cụ thể đối với từng hộ vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao trách nhiệm trả nợ vay của người dân. Mặt khác, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hộ vay có nguồn vốn mới để tái sản xuất.

Ông Trần Thế Hộ, Trưởng ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, thừa nhận: “Trước đây, việc quản lý hộ vay gặp nhiều khó khăn do không liền canh, liền cư nên việc thông tin các chính sách đến hộ vay không được kịp thời, kể cả công tác thu hồi nợ vay cũng gặp khó. Nhưng từ khi thực hiện đề án củng cố chất lượng tín dụng thì mọi vướng mắc từng bước được tháo gỡ. Đồng thời ý thức sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ vay đúng hạn của hộ vay nâng lên rõ rệt, góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững. Chưa kể, trong thời gian thực hiện đề án, 3 năm liền trong ấp không còn tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động yếu, tất cả đều được xếp hạng tốt”.

Khẳng định hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Văn Bằng, Tổ trưởng Tổ TK&VV 1, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho hay: “Sau 5 năm thực hiện công tác củng cố nợ vay, quá trình quản lý hộ vay dễ dàng hơn, không tốn nhiều thời gian đi lại nhưng việc giám sát, kiểm tra hộ vay của người quản lý được chặt chẽ hơn. Còn đối với hộ vay thì được sắp xếp lại nợ. Mặt khác, tùy trường hợp cụ thể mà phía ngân hàng đưa ra phương án trả nợ, cũng như tăng vốn cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất hiệu quả, chí thú làm ăn. Qua đó, mở ra cho hộ vay nhiều cơ hội làm ăn mới thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, giúp họ định hướng, lựa chọn cách làm mang lại thu nhập cao cho gia đình mình”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi được vay vốn của NHCSXH để chăn nuôi heo. Từ khi có sự liên kết giữa các cấp, các ngành, hội, đoàn thể trong việc quản lý nguồn vốn vay chặt chẽ đã giúp cho gia đình tôi có trách nhiệm trả nợ đúng hạn, tiếp nhận được nhiều kiến thức mới về chăn nuôi, học hỏi những mô hình hay, đạt hiệu quả cao. Qua đó, tôi đã mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng để chuyển sang nuôi bò thịt. Nuôi bò có lời, tôi đóng lãi đầy đủ, đảm bảo trang trải chi phí hàng ngày cho gia đình. Từ nguồn vốn ban đầu, tôi nuôi 1 con bò, đến nay tăng lên 7 con và đã vươn lên thoát nghèo 2 năm qua”.  

Theo ông Trần Thành Đạt, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A, sau khi thực hiện đề án, hiệu quả thấy rõ nhất đối với địa bàn huyện Châu Thành A là chất lượng tín dụng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn giảm và nguồn vốn cho vay tăng so với thời điểm xây dựng đề án. Điển hình là 5 năm trước đây, nợ quá hạn chiếm từ 2-3%, nay giảm còn 0,4%. Riêng nguồn vốn cho vay tăng từ 160 tỉ đồng lên 254 tỉ đồng. Điểm nổi bật khác của đề án là vận động được hộ vay ý thức gửi tiết kiệm hàng tháng và trả nợ tốt.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, thông tin: Thời gian qua, phía ngân hàng luôn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hộ vay trong quá trình sử dụng vốn vay để nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng như đôn đốc thu hồi nợ nên đã giúp cho nợ quá hạn ở các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác giảm đáng kể. Cụ thể, đến nay nợ quá hạn còn trên 9 tỉ đồng, giảm trên 70 tỉ đồng, tương đương 88,6%, chiếm 0,47% so với tổng dư nợ. Ngoài ra, nợ quá hạn ở tất cả các đơn vị trực thuộc chi nhánh đều dưới mức 1%. Nhất là không còn nợ bị chiếm dụng, giảm 100% so với thời điểm xây dựng đề án...

Tuy nhiên, để chất lượng tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Triều khẳng định tới đây, NHCSXH chi nhánh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện mà đề án đã đề ra. Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đồng thời tham mưu kịp thời cho NHCSXH Trung ương, UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, giúp nguồn vốn đáp ứng kịp thời cho hộ vay.

Trong giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã có trên 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 1.952 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn thuộc ngân sách Trung ương giao tăng hơn 876 tỉ đồng, tương đương 91% và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho chi nhánh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính khác hơn 18 tỉ đồng, tăng 250% so với thời điểm thực hiện đề án.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>