“Ai muốn học đờn, ca là tôi dạy miễn phí…”

25/05/2018 | 09:48 GMT+7

Đó là lời nói chân tình của nghệ nhân Nguyễn Văn Út Chót. Hơn 30 năm theo nghề với nhiều niềm vui, nỗi buồn, anh vẫn giữ nguyên vẹn ngọn lửa đam mê và mong ước bây giờ là được dạy cho thật nhiều người biết đờn, ca tài tử.

Chỉ nghe tiếng đờn, lời ca là chân muốn đi…

Hỏi vì sao anh bỏ cả việc học để theo nghiệp, dù biết rằng nghề này không kiếm được nhiều tiền, anh cười hiền nói: “Tôi cũng không hiểu vì sao nữa! Chỉ nghe tiếng đờn, lời ca là chân muốn đi rồi. Có lẽ tại hồi nhỏ được sống trong môi trường gần gũi mà thân thiết của đờn ca tài tử nên thấm vào máu, vào tâm hồn mất rồi. Mà nghĩ lại hồi đó phải chi vừa đi học, vừa đi đờn thì tốt biết mấy”. Câu chuyện về niềm đam mê được anh kể sôi động. Những kỷ niệm về những ngày đầu đi học lóm cũng đầy niềm vui. Anh may mắn được sinh ra trong gia đình đam mê nghệ thuật. Ba anh ca cổ rất hay, thường tụ tập những người trong ấp đến đờn ca. Từ nhỏ, anh đã được nghe và tập tành hát theo và cảm thấy nó có sức hút kỳ lạ. Mấy anh trai của anh cũng mê, nên được ba anh rước hẳn thầy về dạy. Anh không được cho học do còn nhỏ quá, nhưng dần dần, chính anh là người còn sót lại đeo bám nhờ một thời gian học lóm và mau thuộc, hát, đờn y chang. Năng khiếu này được anh phát huy bằng cách tự học qua các nghệ nhân, qua sách và tự mày mò nghiên cứu…

Anh biết đờn khá nhiều nhạc cụ, từ kìm, sến đến cò, đờn giỏi nhất là guitare phím lõm. 16 tuổi, anh đã đờn rành các bài bản cải lương, rồi mới đến tài tử. Anh bắt đầu tham gia sinh hoạt phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Anh còn làm nhạc công cho đoàn Hương Xuân của Vị Thanh. Trong một lần Đoàn cải lương Hương Thảo của tỉnh Tây Ninh về miền Tây phục vụ, thiếu nhạc công, nhờ người giới thiệu đã tìm đến anh nhờ cộng tác. Lúc đó, anh cũng còn thời gian rảnh nên tham gia hỗ trợ. Anh nói, đi mấy tháng trời đã giúp anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay, tiếp thêm tình yêu và muốn là người đi thắp truyền niềm đam mê ấy đến mọi người. Anh nói rằng, dù hồi đó mê quá bỏ học, nhưng anh đã quyết tâm học cho được cái nghề và anh đã làm được. Dù cuộc sống vẫn còn đó những vất vả, lo toan, nhưng anh thấy hạnh phúc vì đã theo đuổi đến cùng niềm đam mê…

Muốn được truyền dạy thật nhiều

Lúc bắt đầu, anh chỉ học lóm và biết đờn, ca cổ, chứ có biết đờn ca tài tử gì đâu. Sau này, khi tham gia vào CLB Đờn ca tài tử rồi làm nhạc công cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, được tập huấn về đờn ca tài tử, gặp nhiều nghệ nhân đờn hay, hát giỏi, đã giúp anh hiểu hết giá trị của nghệ thuật độc đáo này, phân biệt được với các thể loại khác và càng ngày càng thấy yêu thích chẳng thể tách rời. Để có thể thỏa mãn đam mê và chăm chút cho gia đình nhỏ của mình, anh thường đi đờn thêm vào buổi tối. Anh đi đờn cũng lựa chọn nơi, chứ không đờn ở các quán. Phải có người hiểu đờn, biết ca thì mình đờn mới hay, mới có hồn.

Nói đến việc truyền nghề, anh vui hẳn: “Thấy ai thích nghe thôi là tôi vui rồi. Muốn học lại càng vui hơn và sẵn sàng rút hết ruột gan mà dạy”. Hơn 30 năm theo nghiệp đờn, anh truyền dạy khá nhiều người, cách đờn lẫn ca tài tử. Mỗi một người thành công là niềm vui và tiếp thêm cho anh sức mạnh để anh làm tiếp việc này. Cuối tuần, ở nhà anh lúc nào cũng có từ 5-7 người theo học. Mà anh dạy miễn phí, chỉ yêu cầu người học nghiêm túc tiếp thu và phải thực sự say mê thì mới có thể học và phát huy tốt.

Cách đây không lâu, anh còn tham gia dạy ca cổ cho một nhóm các bạn trẻ đang công tác tại Văn phòng UBND tỉnh. Nếm trải đủ niềm vui và nỗi buồn trong suốt mấy chục năm theo nghề, anh thấy hạnh phúc vì sự lựa chọn đúng. Càng thấy ý nghĩa hơn khi mình được góp sức cùng mọi người để truyền dạy, phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>