Cần tiếp tục thắp lửa…

29/03/2019 | 06:56 GMT+7

Tròn một năm kể từ khi chuyên mục “Tài tử và cuộc sống” ra mắt độc giả, đã có gần 100 nghệ nhân được giới thiệu. Đây là những nghệ nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn nghệ nhân vẫn âm thầm sống bằng đam mê, giữ và thắp truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ trẻ, để đờn ca tài tử (ĐCTT) tiếp tục được kế thừa phát huy trọn vẹn...

Phát huy đờn ca tài tử trong thế hệ trẻ rất cần được quan tâm.

Đam mê và thắp truyền

Là người trực tiếp tìm kiếm, phát hiện những nghệ nhân tài tử, người viết đã gặp nhiều câu chuyện xúc động. Bởi mỗi một người có một cuộc đời không giống nhau, vì mưu sinh, vì cái nghiệp mà họ gắn bó với đờn ca tài tử. Nhiều người chẳng phải ở Hậu Giang, nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy, đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân để cống hiến và truyền lửa. Nghệ nhân Ngô Xuân Nghiệp, 84 tuổi, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, quê ở tận Ninh Thuận, vì mê đờn ca nên rong ruổi khắp nơi, theo đờn cho các đoàn hát, dạy nhạc cho các trường và rồi khi lớn tuổi, ông chọn nơi đây làm chốn dừng chân, tiếp tục tham gia phong trào tài tử ở địa phương khi còn sức khỏe. Ông đã làm tôi thán phục khi kể về niềm đam mê cả đời của mình, dù cuộc sống có khó khăn, chính tài tử đã tiếp cho ông sức mạnh để vượt qua. Ông chia sẻ: “Cả đời tôi đã sống hết lòng, tìm hiểu khá trọn vẹn các bài bản tài tử để truyền nghề. Vậy là mãn nguyện rồi. Giờ, vẫn muốn tiếp tục truyền nghề, để nay mai trí nhớ sa sút, không nhớ nữa”.

Cũng ở tuổi ngoài 80, nghệ nhân Đoàn Văn Tổng, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, lại yêu nghề và muốn thắp truyền cho thế hệ sau bằng việc làm ý nghĩa. Đó là hàng chục năm nay, ông cần mẫn ghi chép tất cả những bản đờn tài tử. Lớn tuổi, nhưng hễ khỏe là ông chạy xe máy đi sinh hoạt ở các CLB tài tử, gặp gỡ những nghệ nhân cùng tâm huyết và truyền nghề cho những ai muốn học. Dù hơn 60 năm theo nghiệp, nhưng với ông, kiến thức là vô tận, nên những đợt Hậu Giang tổ chức tập huấn về môn này, chưa bao giờ vắng mặt ông. Ông cho biết, kiến thức là vô cùng. Mỗi người đều có một cái hay để cho mình học. Đây cũng là dịp ông gặp những người được đào tạo bài bản, để hỏi những điều mình còn thắc mắc; gặp những nghệ nhân có cùng niềm đam mê.

Mỗi một nghệ nhân tài tử đều có cái hay và độc đáo riêng. Điểm giống nhau ở họ chính là niềm đam mê và ước mơ được thắp lên ngọn lửa tài tử. Vì thế, mỗi khi có ai hỏi là họ sẵn sàng chia sẻ. Có người còn nghĩ ra nhiều cách rất hay để truyền nghề là vừa tạo điểm sinh hoạt ngay tại nhà mình, vừa mạnh dạn mở lớp đào tạo ca tài tử để dạy cho những ai cùng sở thích, như nghệ nhân Kim Nhan, nghệ nhân Hoàng Nam (thành phố Vị Thanh). Có người đứng ra tập hợp những người thích ĐCTT để tạo sân chơi cho họ, qua nhiều năm, các câu lạc bộ do họ thành lập đã dần đông đúc. Đây cũng là nơi phát hiện và chăm bồi những giọng ca tài tử trẻ, như Câu lạc bộ ĐCTT ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Câu lạc bộ Ca hát cho ngày mai (thị xã Long Mỹ)… Tất cả đều khẳng định một điều rằng có họ, đờn ca tài tử sẽ được thắp truyền và phát huy…

Tiếp lửa

Nếu chỉ có niềm đam mê của những nghệ nhân thôi, thì chưa đủ để tạo nên sự lan tỏa của môn nghệ thuật độc đáo này. Hậu Giang đã có nhiều giải pháp để xây dựng phong trào, thắp lửa cho ĐCTT, bằng những việc làm thiết thực. Đó là việc triển khai thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Từ đó, ngành văn hóa đã rà soát, thống kê số lượng câu lạc bộ ở cơ quan, quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời từng bước xây dựng những câu lạc bộ ĐCTT kiểu mẫu ở hệ thống các trung tâm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó là việc tổ chức các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao về ĐCTT; tổ chức liên hoan ĐCTT và chọn lựa các nghệ nhân xuất sắc tham dự liên hoan cấp khu vực…

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng chất các câu lạc bộ ĐCTT và xây dựng những câu lạc bộ nòng cốt, có ít nhất 3 nghệ nhân đờn 3 nhạc cụ và 4 nghệ nhân hát. Trước mắt những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng và sẽ tổ chức nhiều chuyến giao lưu với các địa phương. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức liên hoan ĐCTT, không tổ chức tại tỉnh mà đưa về cơ sở. Đây sẽ là đợt tổng kiểm tra toàn lực để tiếp tục tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy, cùng thắp lên ngọn lửa cho ĐCTT”.

Có được một lực lượng nghệ nhân hùng hậu, có được sự quan tâm của tỉnh trong việc tạo điều kiện để các nghệ nhân có nơi sinh hoạt, phát huy khả năng tình yêu tài tử. Tuy nhiên, để ĐCTT được giữ gìn và phát huy trọn vẹn, nhiêu đó vẫn chưa đủ. Bởi hiện nay, các nghệ nhân đờn và ca ở các địa phương đa phần có tuổi, lực lượng trẻ không nhiều và nhất là người biết đờn, ca các bài bản tài tử cũng ngày một hiếm. Nên chăng, cần có một giải pháp căn cơ, đưa bộ môn này vào trường học, để thế hệ trẻ được tiếp cận, hiểu và cùng giữ gìn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>