Chuyện nghề và nghiệp

11/02/2019 | 05:40 GMT+7

Gặp nghệ nhân Nguyễn Thanh Triều trong căn nhà thuê, là tổ ấm và cũng là nơi anh sống với nghề tay trái, nhưng cũng là nguồn thu nhập chính để nuôi gia đình, giúp anh có điều kiện theo đuổi nghiệp tài tử trót đã đeo mang... Rồi anh kể cho tôi nghe hành trình học nghề, theo nghiệp. Câu chuyện cứ mới như ngày hôm qua, thoát cái đã gần 30 năm...

Gia đình hạnh phúc của anh.

Rất quen bởi vì anh công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang. Gặp nhau rất nhiều lần và mỗi lần, anh để lại cho tôi một cảm nhận khác, với nhiều góc độ về nghề và cái nghiệp anh nặng mang…

Cơ duyên…

Giọng chậm rãi, anh kể về cơ duyên theo đờn ca tài tử: “Tôi là con út trong gia đình nông dân ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, nên từ nhỏ, được cha mẹ, anh chị bảo bọc. Họ lại là những người yêu tài tử, nên thường đi giao lưu ở xóm. Vậy là tôi cũng được tháp tùng. Rồi tôi được anh chị dạy cho các bài bản nhỏ như: mẫu tầm tử, văn thiên trường, phụng hoàng, 4 câu vọng cổ… Được khen là có chất giọng ngọt, mùi, nên khoái chí…”.

“Lúc đó chắc anh còn rất nhỏ?”, tôi hỏi.

- Đâu chừng 7 tuổi hà. Vậy là tôi bắt đầu được mọi người tập hát nhiều hơn. Lúc đó cũng chẳng biết tài tử hay cải lương nó hay như thế nào đâu, chỉ hát lại y chang. Được khen thì khoái chí hát nhiều hơn thôi.

Rồi lên cấp 2, cấp 3, anh bắt đầu tham gia vào phong trào văn nghệ ở nhà trường, địa phương. Lúc này, niềm đam mê đã được vun bồi ngày một đầy, đủ để anh nhận ra rằng sẽ quyết tâm theo đuổi. Dù chưa biết mình sẽ làm gì, nhưng ý nghĩ của anh lúc đó là sẽ học hát cho thật hay, diễn thật đạt. Rồi học xong cấp 3, anh làm công tác văn hóa ở địa phương. Từ đây, anh bắt đầu có cơ hội gặp gỡ nhiều nghệ nhân chơi tài tử, dần thấm được cái chất tài tử để lột tả hết cảm xúc qua từng lời ca. Qua một khóa sơ cấp về cải lương và tài tử vào năm 1996 tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đã giúp anh nhận ra đây chính là nghiệp mà anh sẽ phải đeo mang, bởi niềm đam mê quá lớn… Mỗi lần được hát tài tử là anh mới được là chính mình và cố gắng trau dồi để có thể phát huy một cách tốt nhất có thể. Kiến thức ở trường, cộng thêm sự tìm tòi, tôi luyện của bản thân đã giúp cho chất giọng của anh ngày một thăng hoa.

Nghề nuôi nghiệp…

Anh còn có nghề tay trái sau giờ làm, đó là chụp ảnh. Niềm đam mê này cũng không hề thua kém tài tử. Mà nó còn giúp anh giảm bớt gánh nặng cuộc sống, chăm lo cuộc sống cho gia đình nhỏ tốt hơn. Anh cười khoe về mái ấm nhỏ, với người vợ chắt chiu, đồng cảm và chăm chút cho gia đình, cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Anh nói: “Cái nghề chụp ảnh đến với tôi rất tình cờ. Anh Hai dạy chụp. Tôi nghĩ nếu chụp chơi thôi sẽ phí. Mà lúc đó, làm cán bộ văn hóa xã, lương bổng chẳng có bao nhiêu, nên bắt đầu chụp hình thẻ để kiếm thêm thu nhập”…

Rồi anh mày mò học chuyên sâu về ngành ảnh để có thể tự làm một tấm ảnh theo ý mình và mạnh dạn nhận những show đi chụp hình những ngày nghỉ. Vậy mà anh đã gắn bó với nghề này hơn 20 năm. Anh còn “truyền nghề” lại cho vợ mình và hai vợ chồng xem đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh còn học quay phim để có thể nhận trọn show. Tôi từng gặp rất nhiều người chụp ảnh dịch vụ theo luôn ảnh nghệ thuật. Hỏi anh, anh cười hiền: “Tôi cũng mê lắm, nhưng giờ không có nhiều thời gian. Thôi thì đành chụp theo ngẫu hứng. Nhưng biết đâu mai mốt, khi cuộc sống đầy đủ hơn…”. Câu nói bỏ lửng của anh làm cho người đối diện tin rằng niềm đam mê này sẽ được anh tiếp tục nuôi dưỡng cho một ngày không xa…

Thắp truyền

Trở lại với nghiệp tài tử, anh lại truyền cảm hứng cho người đối diện bằng câu chuyện về những lần anh tham gia Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ và từng đạt giải bạc, đồng. Giải thưởng mới nhất là anh đạt là huy chương bạc tại Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVI năm 2018. Tiết mục đạt giải bạc là ca tài tử “Bác Tôn với Côn Sơn”. Anh vẫn còn nguyên cảm xúc: “Dù nhiều lần lên nhận huy chương ở những hội thi cấp khu vực, nhưng lần này, tôi rất tự hào vì góp phần thể hiện tốt thể loại đờn ca tài tử, thuyết phục được giám khảo. Đây là những món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục cống hiến và thắp truyền niềm đam mê đến với mọi người”.

Anh được phân công đảm trách xây dựng câu lạc bộ đờn ca tài tử, kiếm tìm và phát huy những nhân tố mới. Anh có sáng kiến xây dựng một câu lạc bộ kiểu mẫu tại trung tâm văn hóa tỉnh, để giao lưu với các huyện, thị, thành trong tỉnh. Sự nhiệt tâm, nhiệt tình của anh càng thể hiện rõ trong từng câu chuyện anh kể, từng sự kiện xảy ra trong suốt quá trình anh học tập và rèn luyện, để cùng tiếp lửa cho ĐCTT. Trong câu chuyện đó, anh giúp cho mọi người hiểu về anh, một người tâm huyết và dành cho tài tử một tình yêu lớn…

Bài, ảnh: THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>