Đời nghệ sĩ lắm gian nan, nhưng hạnh phúc

27/07/2018 | 11:09 GMT+7

Gặp nghệ nhân Duy Chấn (ảnh), ở ấp Thạnh Lợi C, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, một chiều mưa, sẵn có mấy người bạn cùng sở thích, ông mang cây đờn kìm ra làm mấy bản tài tử buồn man mác. Ông kể câu chuyện về cuộc đời mình, bôn ba, vất vả đến giờ, nhưng ông thấy vui vì đã thỏa được niềm đam mê...

Kế nghiệp người cha là “đệ nhất danh cầm”

Nghệ nhân Duy Chấn sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi tài tử. Cha là nghệ nhân đờn kìm Nguyễn Hữu Thà, từng được Bộ Văn hóa phong tặng danh hiệu “Đệ nhất danh cầm” vào năm 1989. Cha mẹ ông theo đờn cho các đoàn hát, ông và các anh em cũng rày đây mai đó theo cùng. 10 tuổi, ông được cha dạy hát và hát rất ngọt ngào, lên sân khấu hóa thân vào vai diễn nhỏ, phù hợp lứa tuổi. Được vài năm, ông lại thích ngắm nghía ngón đờn của cha và nài nỉ cha dạy. Cha ông cũng muốn có người nối nghiệp, thấy ông có khiếu, hiểu nhanh nên quyết tâm truyền nghề cho ông. Học được vài năm là ông đờn rành sáu câu, ngón đờn ngày một điêu luyện.

Sau ngày giải phóng, ông bắt đầu tách ra đờn cho các đoàn hát lúc bấy giờ đang rất thịnh, như Đoàn cải lương Hậu Giang 1, Đoàn cải lương Phù Sa (Vĩnh Long), Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang… Có một thời gian, ông rời các đoàn hát đi tận Vũng Tàu để đờn ở quán mưu sinh. Trong suốt quá trình rong ruổi đó, ông đã gặp nghệ sĩ Ngọc Nhung. Hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau, đã cùng viết nên câu chuyện tình đẹp. Ông đờn, bà hát, tạo thành một cặp đẹp đôi Hai người cùng bôn ba khắp nơi ở các đoàn hát, các con lần lượt ra đời, có đứa dắt theo, có đứa gởi lại cho nội, ngoại chăm sóc.

Rồi đến thời cải lương gặp khó, các đoàn hát tan rã dần, hai người cũng đã lớn tuổi nên quyết định trở lại quê nhà bắt đầu cuộc sống mới…

Nghèo nhưng hạnh phúc

Năm 1995, ông trở về quê cha, ở ấp Thạnh Lợi C, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, để sinh sống đến bây giờ. Ông nói đi hoài cũng chồn chân, giờ về quê chăm sóc lại mảnh đất của gia đình, tham gia dạy đờn cho những ai thích học và tham gia sinh hoạt CLB đờn ca tài tử ở địa phương, ông thấy an nhàn. Vậy là từ khi trở về địa phương, ông tham gia rất tích cực. Hội thi, hội diễn cấp huyện, xã, cần là ông tới ngay.

Ông còn là thành viên tích cực của CLB Đờn ca tài tử xã Tân Long, tham gia sinh hoạt, giao lưu đều đặn hàng tháng. Với khả năng đờn rất nhiều nhạc cụ như kìm, sến, guitar phím lõm, violon, ông hỗ trợ nhiều cho địa phương khi tham gia các phong trào văn nghệ, nhất là hội thi đờn ca tài tử. Đây còn là điều kiện thuận lợi để ông truyền nghề, ai thích nhạc cụ gì là ông dạy sau khi đã trải qua phần lý thuyết cơ bản…

Hỏi về hoàn cảnh vẫn còn khó khăn hiện tại, ông không chút bận tâm. Ông nói, các con cũng đã lớn, có cơ ngơi riêng, cuộc sống cũng vất vả nên không hỗ trợ gì cho cha mẹ nhiều. Vậy là đến già, vẫn tự nuôi thân, bà thương ông, đi lãnh vé số bán cũng kiếm thêm được tiền chợ mỗi ngày, vậy là vui và hạnh phúc.

Giờ ai kêu đi đờn, sức khỏe tốt thì đi, ai thích học thì ông dạy. Thời gian rảnh, ông ôn lại ngón đờn hoặc đờn cho bà hát. Hễ gặp bạn tri kỷ là cùng nhau đờn ca quên hết những vất vả trong cuộc sống… Đã ngoài 70 ngón đờn của ông vẫn điêu luyện, niềm đam mê vẫn còn đầy ắp, làm cho ông có thêm năng lượng để sống tiếp với đam mê…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>