Đúng điệu phong lưu

28/12/2018 | 08:32 GMT+7

Được một số nghệ nhân giới thiệu, tôi tìm đến nghệ nhân đờn Bùi Văn Sậu (ảnh), ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, một tay guitar, sến được nhiều người biết. Sự giản dị, chân thành và đặc biệt là chất phong lưu của một người chơi tài tử đúng nghĩa của anh tạo ấn tượng cho người tiếp chuyện.

Ngoài 50 tuổi, nhưng anh đã có đến hơn 30 năm theo nghiệp đờn ca tài tử. Gọi là nghiệp bởi anh gắn bó vì niềm đam mê khó thể bỏ, chứ anh thừa biết và không chọn đây là nghề để nuôi sống gia đình. Anh kể, ba anh biết đờn cò, có lẽ anh thừa hưởng trọn vẹn niềm đam mê, chất phong lưu của người chơi tài tử từ người ba mà anh hết mực thương yêu. Anh được theo học thầy đờn Năm Nhuận ở quê anh, để biết được các bản đờn bài bản tài tử từ khi hơn 10 tuổi. Niềm đam mê ấy tích lũy dần qua năm tháng và anh luôn dành hết thời gian rảnh để luyện cho ngón đờn ngày một hay, một sắc.

Hỏi anh đờn hay vậy, xưa nay có đi đờn “show” không, anh nói ngay: “Tôi chơi là do thích chứ không bao giờ nghĩ đờn để kiếm tiền. Khi được chơi như vậy, cùng những người có chung niềm đam mê, đờn nghe mới đã, mới trút được hết những tâm tư, tình cảm của mình. Vậy thôi!”. Dù có lúc cuộc sống đầy khó khăn, nhưng nghệ nhân Bùi Văn Sậu vẫn sống trọn với tình yêu và niềm đam mê tài tử. Có lẽ vì vậy mà tiếng đờn của anh chưa bao giờ lạc nhịp và anh vẫn giữ được nét phong lưu của một người chơi tài tử đúng điệu.

Do xác định chỉ là thú chơi tao nhã, nên anh chọn cho mình một công việc riêng để lập nghiệp, đó là bám trụ ruộng đất của gia đình. Rồi do biết đờn ca và hăm hở với phong trào văn hóa, văn nghệ, có giai đoạn, anh làm cán bộ văn hóa của xã được vài năm. Nhưng rồi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, anh không thể tiếp tục công việc chiếm khá nhiều thời gian này và tập trung để làm lụng, chăm chút cho gia đình. Anh chỉ còn tham gia vào câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương. Thời gian rảnh, anh lại tìm những người cùng đam mê để được thỏa sức thả hồn theo tiếng đờn lời ca du dương, lãng mạn…

Anh cười tươi và ôm cây sến gảy một bản đờn mùi mẫn, rồi đủng đỉnh: “Cũng chính nhờ đờn ca, tôi đã tìm được người phụ nữ gắn bó với mình. Vì thích anh thanh niên đờn hay, mà vợ tôi đã nguyện gắn bó đời và cùng tôi trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống để chăm chút cho mái ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người”. Ngồi kế bên anh, chị Lê Thị Bé Em, vợ anh, nói thêm: “Hồi đó, chỉ khoái nghe đờn, ca, nhưng có chồng biết đờn, tôi biết mình có nhiều lợi thế, nên cũng tập hát rồi khi có dịp đi đám tiệc cùng anh, gặp những người mê đờn ca, tôi được động viên hát. Giờ, tôi hát cũng được lắm”. Anh đã tiếp lửa và truyền được niềm đam mê của mình qua chị…

Giờ, cuộc sống gia đình đã ổn định, các con đã có gia đình riêng, anh chị vẫn bám mấy công vườn, nhưng không phải vất vả như ngày xưa để lo toan cuộc sống, mà như một thói quen khó bỏ của người gắn cả đời mình với việc đồng áng. Thời gian rảnh, anh rủ chị cùng đi sinh hoạt tài tử. Anh còn chỉ cho những đứa cháu của mình và những ai muốn học đờn, ca tài tử hết những bài bản, kinh nghiệm tích lũy mấy mươi năm của mình. Với anh, được chia sẻ nghề và niềm đam mê của mình là một niềm vui và hạnh phúc. Anh tự hứa với lòng sẽ tiếp tục công việc này trong quãng thời gian phía trước của mình.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>