Gian nan theo nghiệp cầm ca

15/06/2018 | 07:28 GMT+7

Câu chuyện về nghiệp cầm ca và cuộc đời đầy vất vả để mưu sinh luôn song hành với nghệ nhân Trần Thị Tuyết Lan, ở phường III, thành phố Vị Thanh.

Nghệ nhân Tuyết Lan trong một chương trình sinh hoạt đờn ca tài tử.

Đời buồn vẫn bám nghiệp

Được tắm mình trong lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở nhỏ, nên nghệ nhân Tuyết Lan cũng giống mẹ có chất giọng ngọt ngào truyền cảm. Mẹ chị cũng là nghệ nhân tài tử, nên những buổi đi hát, giao lưu, đều dắt chị theo. Nghe cô chú hát, chị cũng nhẩm hát theo và thuộc rất nhiều bài. Rồi gia đình tan vỡ, mẹ dắt theo chị và người em trai bôn ba đến tận An Giang. Chị gắn bó tuổi thơ của mình trên ghe hàng của mẹ, nên việc học hành bị gián đoạn. Làm đủ nghề để sống, nhưng trong lòng chị lúc đó chưa bao giờ thôi nuôi ước mơ được đi hát. Rảnh là mẹ chị dạy chị hát những bài hát từ đơn giản đến khó dần...

Rồi cơ duyên đưa chị gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Giếng ở huyện Thoại Sơn, An Giang, nơi mẹ con chị chọn làm quê hương thứ hai. Chị bắt đầu biết phân biệt ca cổ và tài tử, lại càng thấy mình hợp với điệu oán mùi mẫn, đượm buồn. Nghệ nhân này không chỉ dạy mà còn giới thiệu cho chị tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử ở địa phương. Chị cũng bắt đầu có những show nhỏ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Lúc ngoài 20 tuổi, chị mong ước có một mái ấm riêng và đã gặp được người muốn cùng chị gầy dựng hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc sống gia đình, bên hai đứa con xinh vẫn không làm chị nguôi ngoai chuyện được hát. Chị cười buồn: “Cũng chính lý do này mà hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến đổ vỡ. Thế nhưng tôi không hề hối hận, bởi không chia sẻ với niềm đam mê và ủng hộ tôi theo nghề thì dù có gắn bó cũng sẽ đau khổ. Dù buồn, nhưng tôi tự nhủ sẽ làm hết sức mình để nuôi hai đứa con khôn lớn. Và cũng từ đây, tôi đã được là chính mình, được làm điều mình thích để thỏa đam mê”…

Sống trọn niềm đam mê...

Chị trở về Hậu Giang sinh sống cách đây gần 10 năm. Cũng làm đủ nghề, rồi thuê một chỗ mở quán nước nhỏ để nuôi mẹ và hai đứa con. Rồi chị gặp những nghệ nhân đờn và ca ở địa phương, niềm đam mê của chị được nối nhịp. Chị bắt đầu tham gia vào câu lạc bộ ĐCTT ở phường, ở thành phố Vị Thanh, rồi cả Trung tâm Văn hóa tỉnh, trở thành cộng tác viên khó thể vắng mặt trong các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Nhiều người biết đến chị nhiều hơn, nên chị cũng bắt đầu có những show đi hát, dần dần, đây trở thành nghề chính của chị cho đến bây giờ. Chị chia sẻ, hai đứa con chị, đứa lên cấp 3, đứa cấp 2, thu nhập của chị cũng tạm đủ lo cho chúng nó học. Tích góp mãi, chị mua được căn nhà trả góp. Chị hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, vừa nuôi được các con vừa được thỏa sức với niềm đam mê đờn ca tài tử…

Ở tuổi ngoài 40, hơn 20 năm gắn bó với tài tử, chị đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, làm cho giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, nhưng vốn dĩ buồn lại càng da diết hơn. Từng lời ca như nỗi niềm, tâm tư tình cảm mà chị trải lòng, gởi gắm vào đó bằng tất niềm vui, nỗi buồn, cả những nhọc nhằn mà chị đã trải qua để được sống với niềm đam mê ca hát.

Gọi chị là nghệ nhân, chị nói chị chưa đóng góp gì nhiều cho đờn ca tài tử. Nhưng từ đây, chị sẽ cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa, truyền dạy những ai ham thích đờn ca tài tử, để cùng gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở địa phương, với chị vậy mới xứng đáng với nghiệp cầm ca mình đã đeo đuổi.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>