Góp chút sức giữ gìn vốn quý…

14/12/2018 | 07:43 GMT+7

Mấy lần hẹn mới gặp được anh, nghệ nhân Lê Duy Mạnh (ảnh), ở ấp 7A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bởi đang vào vụ lúa. Anh cười tươi: “Phải làm cật lực mới chăm lo được cho gia đình, rồi mình đi đờn ca vợ con cũng vui vẻ”. Và anh đã bắt ngay vào câu chuyện mê đờn ca tài tử của mình một cách hào hứng...

Anh kể, may mắn của anh là được sinh ra trong gia đình có ba biết đờn tài tử. Từ nhỏ, anh đã từng được nghe rất nhiều và dần thấm những câu rao đờn ngọt lịm ấy. Lớn lên một chút, anh được ba dạy đờn các bài vắn rồi dần dần tự tin, tháp tùng cùng thanh niên trong xóm đi đờn ca ở các đám tiệc. Niềm đam mê lớn dần, đến mức khó thể tách rời và anh quyết tâm phải chinh phục từng bản đờn, dù thời trước, tìm tài liệu rất khó. Anh chịu khó nghe radio để tự đờn theo các bài bản tài tử, rồi học từ những người đi trước, tự nghiên cứu và tích lũy cho mình. Dần, anh đã trang bị cho mình vốn liếng tài tử, ngón đờn cũng ngày càng điêu luyện hơn.

Biết nghề đờn sẽ khó lòng nuôi được một gia đình, nên anh dành dụm và mua dàn âm thanh để cho thuê, vừa có thể thỏa mãn đam mê, vừa kiếm thêm nguồn thu. Anh cho biết, dàn âm thanh này cũng là một trong hai nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh còn làm ruộng, trồng cây ăn trái từ mảnh đất của gia đình, rồi nuôi heo, gà vịt… Tất cả những gì kiếm tiền để chăm chút cho gia đình nhỏ là anh làm hết. Bù lại, anh có hai đứa con ngoan ngoãn, người vợ biết vun vén cho gia đình, cùng anh vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để chăm chút cho hai đứa con ăn học, xây dựng mái ấm hạnh phúc. Chị còn đồng cảm và ủng hộ niềm đam mê của chồng. Nhờ đó, sau những giờ đồng áng, anh được thỏa sức trong niềm đam mê tài tử của mình…

Không chỉ đam mê và tự trang bị kiến thức cho mình, anh còn muốn đờn ca tài tử phải được nhiều người biết, cùng tham gia. Năm 2005, anh tham gia vào câu lạc bộ đờn ca tài tử ở xã Vị Thanh, rồi xã Vị Đông. Người đờn hiếm hoi, nên anh càng cố sức trau dồi ngón đờn, kiến thức về tài tử để có thể đờn được tất cả 20 bài bản tổ. Anh nói: “Tôi đã làm là phải đến nơi đến chốn. Mà lại là niềm đam mê, tôi càng quyết tâm hơn. Với lại, nói biết đờn là phải biết cho hết. Đờn đâu phải không gặp những người thử mình đâu. Nhiều khi gặp người ta kêu đờn, không được thì mất mặt lắm. Từ đó, tôi quyết tâm rèn luyện để không chỉ đờn đúng, mà phải đờn hay. Giờ, hễ đi làm thì thôi, chứ rảnh là tôi ôm cây đờn luyện ngón. Nhiều lắm là 2 ngày cũng phải dành 1 tiếng để đờn”.

Niềm đam mê của anh giờ còn là được truyền nghề. Anh đang dạy cho hai đứa cháu của mình, cũng đã bắt đầu đờn khá. Trong câu lạc bộ, anh luôn hướng dẫn, chia sẻ để mọi người cùng hát đúng, hát hay các bài bản tài tử. Anh nghiêm nghị: “Đây là môn nghệ thuật rất đặc sắc của dân tộc. Mình biết không tới, truyền nghề không đúng là có tội. Vì vậy, tôi tự nhủ với lòng là phải học cho hết, không phải chỉ để đờn ca cùng tri kỷ, tri âm, mà khi có ai cần mình chỉ lại, mình cũng đủ khả năng và bản lĩnh để chỉ cho đúng. Mỗi người cùng góp chút công, chút sức, tôi tin rằng đờn ca tài tử sẽ được lưu truyền”.

Chia tay với một nghệ nhân đầy tâm huyết, tôi rất ấn tượng với câu chuyện về niềm đam mê và cách anh vừa theo đuổi được đam mê, vừa chăm chút và gìn giữ mái ấm hạnh phúc. Trong cuộc đời của mình, anh quyết tâm thực hiện tốt hai việc này và anh đang hạnh phúc với những gì mình đã cố gắng và dốc hết tâm sức…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>