Lời mở đầu

16/03/2018 | 09:28 GMT+7

Đờn ca tài tử (ĐCTT) - bộ môn nghệ thuật độc đáo, nhưng lại rất bình dân, bởi những người tham gia phần đông là những người nông dân chân lấm, tay bùn giải khuây vào những lúc nông nhàn. Thế nhưng, để chơi hay, phải là những người đam mê thật sự và mang đậm phong thái tài tử trong tâm hồn…

Cũng chưa ai chắc chắn tài tử có mặt trên vùng đất phương Nam này bao nhiêu năm, nhưng có lẽ điều đó đã không còn quan trọng nữa. Bởi đến giờ, chất tài tử đã gắn chặt với người dân vùng đất này, đó là tài sản quý giá nhất trong những tài sản phi vật thể của nơi đây.

Với mong muốn góp một phần nhỏ để giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống, cũng là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Báo Hậu Giang mở chuyên mục “Tài tử và cuộc sống”, kính mong quý độc giả đón nhận và đóng góp !

Một đời đam mê tài tử

Đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn chưa thấy mỏi gối, chồn chân. Hễ nghe ai rủ là vác cây đờn cò đi. Ông là nghệ nhân Thiều Quang Miêu, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.

Nghệ nhân Thiều Quang Miêu.

Thấm chất tài tử từ thuở nhỏ

Nhiều người gọi ông với cái tên trìu mến Ba Miêu. Ông giỏi nhất là đờn cò, một trong bốn cây đờn phải có trong ban nhạc tài tử (kìm, cò, tranh, độc (huyền cầm)). Để đàn được không hề dễ, nhưng với niềm đam mê, ông đã tìm học và phát huy nó. Đến tận bây giờ, nói về ngón đờn này, những người ở Hậu Giang và cả Cần Thơ đều xem ông là một tay đờn lão luyện.

Đã 87 tuổi, nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh và luôn giữ được nụ cười lạc quan, cách nói chuyện vui vẻ, phóng khoáng. Ông nói có lẽ nhờ chơi tài tử mà ông mới khỏe được như vậy. Ông kể, ông sống từ thời còn giặc Pháp, ngay tại vùng đất này. Dù vậy, người dân ở đây vẫn giữ được sự phong lưu, vẫn hát hò sau những giờ làm ruộng hay chạy giặc. Mà thời đó, họ đờn, ca dưới ghe, thả theo dòng nước. Mỗi lần nghe là ông chạy theo đến hàng giờ đồng hồ để được nghe họ hát. Lúc đó, ông khoảng 10 tuổi. Riết, ông mê lúc nào không hay, nên xin cha mẹ cho rước thầy đờn về học. Rồi mấy người thanh niên trong xóm cũng theo học. Lúc đầu, ông học guitare phím lõm, cần mẫn từ điệu một. Học với tất cả sự hăm hở. Vốn rất mê nên ông tiếp thu rất nhanh và không lâu sau đã tập tành đánh ở các đám tiệc, cúng đình… Rồi ông tham gia văn nghệ ở địa phương, cùng góp sức đánh giặc, nhưng không phải vác súng mà trên mặt trận văn nghệ. Cũng từ đó, ông vừa đờn, vừa học, tìm hiểu về ĐCTT là thấy phù hợp với mình nên đờn tất cả các điệu, từ khó đến dễ. Rồi trong một lần tình cờ nhìn thấy cây đờn cò (nhị cầm), ông thích thú và tập đánh, rồi tự học, riết thành đam mê và gắn bó đến tận bây giờ. Ông nói, ông còn rất mê cây độc huyền, nhưng vì không có điều kiện học nên thôi… Khi được hỏi vì sao ông có thể theo nghiệp đờn, dù nó khó thể nuôi sống được bản thân cũng như gia đình, đôi mắt ông lấp lánh niềm hạnh phúc nhưng cũng rưng lệ: “Vợ tôi, bà ấy mất hơn 10 năm rồi, bả ủng hộ hết lòng, chăm sóc các con để tôi được đi chơi cho thỏa đam mê. Mình biết vậy nên khi về nhà là phụ làm ruộng đâu dám than mệt. Biết đam mê nghiệp này vợ con khổ, nhưng biết sao được…”.

Truyền được nghề là niềm vui

Sau giải phóng, ông cũng tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở địa phương và bắt đầu tham gia các cuộc thi từ xã đến tỉnh, khu vực cho đến tận bây giờ. Ông nói, người ta hát được nhiều người nhắc, mình đờn ít người biết lắm. Nói vậy chứ nhắc đến ông, những ai am tường tài tử ở Cần Thơ, Hậu Giang và một số tỉnh, thành trong khu vực đều nhớ đến ngón đờn cò rất điệu nghệ. Cũng chính vì điều này mà khi VTV Cần Thơ xây dựng chương trình giới thiệu về ĐCTT, ông luôn được mời góp mặt trong dàn nhạc. Ông hào hứng: “Vui lắm, mỗi tuần 2 buổi đi thu hình, cũng được tiền kha khá, mua sữa, mua thuốc được. Già rồi mà còn làm ra tiền từ niềm đam mê này tôi rất vui. Nhưng mấy tháng nay, sức khỏe không tốt nên tôi xin hổng tham gia. Giờ thấy khỏe rồi nè, chắc mấy bữa nữa xin đi đờn tiếp…”. Ông hiện là thành viên của CLB ĐCTT của huyện, cứ được gọi là ông có mặt. Rồi các CLB ĐCTT ấp, xã nhà, xã lân cận, có khi ông xuống tận thành phố Vị Thanh để tham gia giao lưu. Ông nói, đi mệt, nhưng được gặp những người cùng đam mê nên vui lắm. Giờ, ngoài con cháu, đây là niềm vui lớn để ông sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời.

Ông kể hoài không hết chuyện về nghiệp mà ông đã trót mang gần cả cuộc đời, nhưng khi hỏi ông truyền nghề được nhiều không, để thế hệ sau biết mà giữ gìn và phát huy. Ông trầm ngâm: “Giờ, mấy bạn trẻ muốn học mau để đi đàn kiếm tiền nên tôi không có hứng thú dạy. Mà sức khỏe cũng kém rồi. Trước giờ, ai muốn học, tôi đều chỉ. Ngay cả những người cùng nghề cũng san sẻ với nhau để đờn cho đúng, cho mùi, thấm vào lòng người”.

Với nghệ nhân Thiều Quang Miêu, nghề này không phải muốn truyền là được, phải gặp được người cùng có niềm đam mê và hễ đam mê rồi là gắn bó cả đời chẳng thể tách rời. Cả cuộc đời gắn bó với ĐCTT của mình, ông đã góp phần lý giải vì sao ĐCTT dù là môn nghệ thuật dân gian, nhưng nó được nuôi dưỡng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>