Nên duyên nhờ tài tử

10/08/2018 | 09:17 GMT+7

Cặp đôi nghệ nhân Lê Hoàng Tân và Nguyễn Thanh Nhanh, Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Ngã Bảy, đến với nhau nhờ gắn bó với nghiệp đờn ca. Họ đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để cống hiến bằng tất cả niềm đam mê...

Cùng niềm đam mê, họ đi đâu cũng có đôi…

Theo tài tử đến cùng

Nghệ nhân Lê Hoàng Tân sinh ra ở xã Đại Thành, trong một gia đình nghèo, lại đông anh em. Từ nhỏ, anh đã vất vả mưu sinh. Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, anh đã phải chèo ghe đi mua chuối bán phụ mẹ.

Những năm sau giải phóng, phong trào văn nghệ ở các địa phương bắt đầu phát triển, trong đó có đờn ca tài tử (ĐCTT). Anh khoái vọng cổ, lúc đó cũng chưa phân biệt được tài tử và vọng cổ, thấy rao đờn ngọt lịm là ghé ghe lại xem. Rồi thử hòa giọng quên luôn cả mua bán, sau đó anh làm quen, lúc đầu là làm cộng tác viên, sau vào đội văn nghệ của xã vào năm 1984.

Vài năm, anh được rút về Đội thông tin lưu động huyện Phụng Hiệp (nay là Đội Tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Ngã Bảy) và gắn bó đến bây giờ. Vào đây, vừa là diễn viên phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương, vừa được học những lớp tập huấn về ĐCTT giúp anh hiểu và càng đam mê. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, có lúc anh nghỉ làm, nhưng nhớ nghề, cũng quanh quẩn gần nơi có tiếng rao đờn ngọt lịm… Cuối cùng, anh quyết định trở lại…

Anh là một trong số rất ít nghệ nhân ở Hậu Giang thể hiện thành công thể loại này. Anh chia sẻ, có lẽ anh được thiên phú cho một phong cách ca ra bộ, cộng với việc nghiên cứu sách vở, học hỏi từ những người có cùng đam mê, để thể hiện sao cho đúng chất nhất. Anh còn tham gia vào CLB ĐCTT của thị xã và là hạt nhân tích cực, góp phần gầy dựng, khơi gợi phong trào đờn ca tài tử ở các xã, phường trong thị xã Ngã Bảy. Anh nói: “Tôi đang quyết tâm xây dựng một CLB ĐCTT kiểu mẫu, tập hợp anh em cùng niềm đam mê để góp phần giữ gìn và phát huy nghệ thuật độc đáo này”.

Tâm hồn đồng điệu gặp nhau

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhanh, ở thị trấn Cây Dương, từng là diễn viên của đội văn nghệ cơ sở, trước khi về Đội thông tin lưu động huyện Phụng Hiệp vào năm 1991. Vào công tác sau, nên chị được nghệ nhân Lê Hoàng Tân hướng dẫn nhiều về chuyên môn. Nếu chất giọng của anh vui tươi, pha lẫn hài hước, thì giọng của chị trầm buồn, ngân nga sâu lắng, nên thích hợp với những bài oán, Bắc, Nam… Vậy mà họ hợp nhau mới lạ…

Dần dần, cả hai tìm được sự đồng cảm và đến với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ. Chị cho biết: Hai vợ chồng đều là diễn viên, thu nhập không cao, nên để nuôi được hai đứa con, phải rất vất vả. Ngày đi làm, chiều về chị tất tả với quán nước nhỏ trước nhà. Đây cũng là nguồn thu nhập thứ chính sau đồng lương, giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn để giữ gìn mái ấm hạnh phúc, chăm chút cho con cái học hành. Giờ các con đã lớn, chị cũng đỡ vất vả hơn.

Nhắc đến ĐCTT, giọng chị chợt vui, chợt buồn. Vui vì chị đã gắn bó được đến bây giờ và quyết tâm sẽ tiếp tục theo đuổi. Buồn vì các bạn trẻ thích tài tử ít quá, những người tham gia trong CLB của thị xã cũng như các xã, phường đa số đã ngoài bốn mươi. Ai thích tìm hiểu về tài tử là chị sẵn lòng, để cùng nhau giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc… 

***

Đôi vợ chồng nghệ nhân đã cùng viết nên một câu chuyện đẹp, câu chuyện về sự sẻ chia và tìm được hạnh phúc từ niềm đam mê ĐCTT. Họ không nhớ đã bao lần cùng nhau chinh phục những huy chương vàng, bạc cấp khu vực, toàn quốc, để mang vinh dự về cho tỉnh Cần Thơ (trước đây) và Hậu Giang hiện nay.

Hai nghệ nhân vẫn tiếp tục sống với niềm đam mê ĐCTT và quyết tâm khơi gợi, thắp truyền ngọn lửa ấy với mọi người, nhất là những người trẻ.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>