Niềm tin với tài tử

17/08/2018 | 10:23 GMT+7

Nghệ nhân Huỳnh Thanh Bình đã sống hết mình vì niềm đam mê tài tử. Giờ, anh vẫn miệt mài hoạt động, tìm kiếm và chăm bồi những nhân tố trẻ...

Nghệ nhân trên sân khấu hội thi đờn ca tài tử cùng Hồng Trúc.

Mê hát từ nhỏ

Anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tân Hòa, Châu Thành A, thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975. Hồi nhỏ, có mấy ông anh ưa đi hát tài tử, vậy là anh tháp tùng đi theo ngồi nghe, lúc đó khoảng 10 tuổi. Dù chưa biết phân biệt thế nào là tài tử, cải lương, nhưng nghe riết nên ghiền lúc nào không hay.

Rồi phong trào văn nghệ trong trường, hễ có là anh tham gia hát vọng cổ. Anh nói: “Nghĩ cũng liều, có biết nhịp nhàng gì đâu. Bắt chước người ta hát lại y chang. Rồi dần dần, tôi mạnh dạn theo các anh đi hát ở địa phương vào những dịp đám tiệc. Thời đó, người ta thích hát tài tử và vọng cổ, được nghe mọi người giải thích, tôi bắt đầu hiểu và quyết tâm hát cho thật đúng, thật hay…”.

Năm 1998, anh đi bộ đội. Vào môi trường này, anh được tôi rèn một ý chí vững vàng. Sẵn có máu văn nghệ, anh được đơn vị trọng dụng, vậy là đi hát hò, biểu diễn phục vụ suốt. Càng hát, anh càng cảm nhận niềm đam mê ngày càng lớn và quyết tâm sau khi rời quân ngũ sẽ theo nghiệp để tiếp tục thắp truyền ngọn lửa đam mê tài tử. Anh vào công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện Châu Thành A vào năm 2002, từ đây, anh được tạo điều kiện đi học chuyên môn, phát huy hết sở trường, sở đoản, bắt đầu hiểu một cách cặn kẽ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật đờn ca tài tử.

Không chỉ đảm nhiệm vai trò một tuyên truyền viên đa năng, nhiều năm nay, trên cương vị Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động, anh đã đi biểu diễn phục vụ khắp nơi, tham gia các hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức và nhiều lần đạt giải diễn viên, tuyên truyền viên, nghệ nhân tài tử xuất sắc… Điều này càng tiếp lửa cho anh khai thác hết khả năng của mình để cống hiến cho địa phương, gầy dựng phong trào văn nghệ ở cơ sở, nhất là phát hiện và chăm bồi những hạt nhân tài tử.

Động lực để giữ đam mê

Nhắc đến việc thắp lửa, anh chợt chùn giọng: “Người trẻ mê tài tử ít quá, càng hiếm có ai yêu đến say mê, theo nghiệp bằng tất cả tấm lòng không tính thiệt so hơn. Dù vậy, tôi vẫn tin là đờn ca tài tử sẽ tiếp tục sống bởi nó được nuôi dưỡng trong lòng Nhân dân”.

Dù ở quê anh bây giờ ít có người trẻ, nhưng cũng không phải có những nhân tài do anh phát hiện và chăm bồi. Nghệ nhân Hồng Trúc là một ví dụ. Giọng hát ngọt lịm của cô bé qua Hội thi Hoa phượng đỏ huyện Châu Thành A cách đây hơn 10 năm trước, giờ đã trưởng thành, từng giành huy chương Liên hoan Đờn ca tài tử cấp tỉnh, khu vực. Đây là niềm tự hào không chỉ của người phát hiện chăm bồi như anh, mà còn là niềm tự hào của tỉnh.

Niềm tin thắp lửa càng say mê trong anh, khi từ những ngày tháng làm phong trào, anh đã tìm gặp hạnh phúc cho mình. Chị cũng là người say mê tài tử, từng học chuyên ngành sân khấu cải lương, giờ là đồng nghiệp, sát cánh cùng anh xây dựng phong trào ở địa phương, xây dựng mái ấm hạnh phúc. Anh cười tươi: “Bao nhiêu động lực đó đã quá đủ để tôi tiếp tục thỏa niềm đam mê, tìm và khơi nguồn đờn ca tài tử ở địa phương… Dù đờn ca tài tử vẫn chưa đa dạng, phong phú và nhất là ít có người trẻ, nhưng tôi luôn tin rằng sẽ có những người cùng chúng tôi góp sức, đồng hành trên con đường gìn giữ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>