Sống trọn với đam mê

24/08/2018 | 08:14 GMT+7

Từ nhỏ, nghệ nhân Trần Thanh Dũng (ảnh) tắm mình trong những tiếng đờn, lời ca ngọt lịm, rồi biến thành niềm đam mê. Nhưng để theo đuổi và trụ được đến hôm nay là cả một quá trình...

Thấm đượm lời ru từ tấm bé

Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ nhân tài tử ở tỉnh Sóc Trăng. Ba anh là nghệ nhân Trần Hà Thủy, bác và chú ruột đều là nghệ nhân tài tử. Từ nhỏ, anh đã được ru giấc ngủ bằng những tiếng rao ngọt lịm.

Niềm đam mê được chăm bồi cứ lớn dần trong anh chẳng thể tách rời. Rồi nó trở thành nghiệp và anh thấy rất hãnh diện vì đã kế thừa và phát huy được truyền thống của gia đình. Không chỉ vậy, anh còn mày mò học nhiều nhạc cụ.

Vốn có năng khiếu, lại sáng tạo, anh học rất nhanh và chơi rành nhiều nhạc cụ, từ violon, guitar phím lõm, kìm, sến, tranh đến piano, organ, guitar bass… và bắt đầu sống với nghề từ năm 1986, khi làm nhạc công cho Đoàn cải lương Sông Hậu 2, đi biểu diễn khắp nơi. Được 7 năm, đủ cực khổ, đủ trải nghiệm, anh muốn tìm nơi bình yên để ổn định. Anh về công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp và gắn bó ở đây 10 năm. Sau đó, anh về làm nhạc công cho Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang khoảng 5 năm nay. Anh nói: “Muốn dừng lại, nhưng nhiều khi chưa thấy bằng lòng với mình, cần thay đổi. Với lại còn trẻ, cũng nên thử nghiệm. Mỗi lần thay đổi là tôi có dịp học được rất nhiều từ công việc lẫn cuộc sống…”.

Giờ, anh đi về hai nơi. Khi có chương trình tập, anh ở lại Vị Thanh, khi rảnh, anh lại về Ngã Bảy làm nghề tay trái là phối nhạc. Đây cũng là niềm đam mê không kém, sau tài tử.

Vất vả đời nghệ sĩ

Gia đình anh hiện đang ở tạm trong khu đất cấp cho cán bộ ở thị xã Ngã Bảy, vợ anh buôn bán nhỏ, cùng chăm sóc đứa con gái đang học cấp hai.

Lương nhạc công ít ỏi, anh mở thêm phòng thu để tăng thu nhập, nhưng mấy năm gần đây, phong trào thu đĩa cũng không còn thịnh nữa nên nguồn thu cũng không có là bao. Bây giờ, niềm đam mê hòa âm, phối khí được anh tận dụng. Lợi thế là biết nhiều nhạc cụ, cảm âm tốt, anh mày mò học từ sách, từ bạn bè, vừa để phục vụ công tác chuyên môn, vừa kiếm thêm thu nhập do nhu cầu cần nhạc hòa âm phối khí để tham gia các cuộc thi hay nhu cầu phối bài hát mới của các nhạc sĩ...

Làm việc này, thu nhập cũng ổn, giúp anh trang trải cuộc sống. Anh luôn đặt mục tiêu cho mình là thà không làm, đã làm là phải giỏi, nên tìm tòi, thể nghiệm, cộng với tâm hồn lãng mạn, tính phóng khoáng rất nghệ sĩ, đặt hết tình cảm, cảm xúc của mình vào tác phẩm, nên những bản phối của anh rất ấn tượng, tạo sự hài lòng cho tác giả lẫn ca sĩ thể hiện...

Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, nhưng anh hài lòng vì đã sống được với niềm đam mê, lĩnh hội và nghiên cứu nghệ thuật đờn ca tài tử để phát huy hết giá trị của nó.

Anh còn có một ước mơ nữa là sẽ dành dụm sửa lại phòng thu, rồi ai muốn học đờn, anh sẵn sàng truyền lại. Vì ước mơ này mà anh đang dốc sức làm để tích lũy. Đó không đơn giản là niềm đam mê, mà còn là trách nhiệm của một người đang biết và hiểu rất sâu môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, muốn góp chút sức giữ gìn và thắp truyền ngọn lửa đam mê...

Nghệ nhân Trần Thanh Dũng sinh năm 1970, hiện là nhạc công của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang. Anh từng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen dành cho nghệ nhân độc tấu violon, đờn kìm vọng cổ dây hò 5... tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ. Anh còn được mời đàn trong chương trình giới thiệu đờn ca tài tử trên VTV9...

 

 Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>